Bệnh tiêu chảy cấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải. Toàn tỉnh Ninh Bình, ước tính năm 2018 có 5.196 ca mắc Tiêu chảy. Vậy đâu là nguyên nhân và làm cách nào để phòng tránh bệnh Tiêu chảy cấp?

Dưới đây là một số thông tin cần thiết:

Nguyên nhân gây bệnh Tiêu chảy cấp

- Thức ăn ôi thiu hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm;

- Trẻ phải cai sữa và ăn bột sớm, hoặc các thành phần protein, lipit, cacbonhydrat… trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ;

- Tiêu chảy do virus: Rotavirus, Adenovirus,…;

- Do vi khuẩn: trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn. Hoặc trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi.

- Ngoài ra những yếu tố thuận lợi gây bệnh tiêu chảy cấp do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Biểu hiện của bệnh Tiêu chảy cấp

- Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, ỉa nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước mùi tanh hoặc chua, không có máu hoặc nhầy lẫn trong phân, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, kéo dài nhiều ngày.

- Trẻ biếng ăn, hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật, hoặc mệt lả nằm li bì.

- Do phải đi ỉa nhiều lần dẫn đến tình trạng mất nước mất muối, biểu hiện ở 3 mức độ:

Mất nước nhẹ: cân nặng của trẻ giảm dưới 5% trọng lượng cơ thể. Nhưng chưa có biểu hiện khát nước, môi chưa khô, mắt không bị trũng.

Mất nước vừa: cân nặng của trẻ giảm từ 5% đến 9% trọng lượng cơ thể. Trẻ khát nước nhiều, người vật vã, mắt trũng, miệng khô, da mất tính đàn hồi, thở nhanh.
          Mất nước nặng: trẻ khát nước nhiều, người lờ đờ, mệt mỏi. Mạch đập nhanh, hạ huyết áp.

          Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp

          - Đối với trẻ bị Tiêu chảy cấp việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là bù nước và điện giải cho trẻ bằng cách uống oresol, phải pha oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng và cho trẻ uống theo nhu cầu.

          - Không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của Bác sĩ.

          - Cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú nhiều hơn bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Chia nhỏ lượng thức ăn trong ngày, ăn thành nhiều bữa.

          Các biện pháp phòng bệnh

          - Trẻ nhỏ cần phải cho bé bú ngay từ khi mới sinh, đến 6 tháng tuổi cho trẻ ăn bổ sung, thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nhưng tỷ lệ phải thích hợp từng độ tuổi;

          - Đảm bảo an toàn thực phẩm, dụng cụ chế biến và thức ăn phải sạch sẽ, hợp vệ sinh;

          - Thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ với nước sạch và xà phòng: trước và sau khi chăm sóc trẻ; trước khi cho trẻ ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi che miệng khi ho, hắt hơi.

          - Các loại quả phải được rửa sạch, gọt vỏ, bóc vỏ...trước khi cho trẻ ăn;

          - Vệ sinh môi trường sạch sẽ, đặc biệt các khu vực trẻ hay tập chung, vui chơi;

          - Rác phải để đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm.

          Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có 1 trong các biểu hiện sau: sốt, phân trẻ có lẫn máu, trẻ nôn nhiều, rất khát, không tốt lên sau 2 ngày điều trị./.


 

Tác giả: BS. Hà Nhi – TT TTGDSK