Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai do virut quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp và chủ yếu tác động lên trẻ em có độ tuổi từ 5-15 tuổi. Bệnh sẽ phát triển thành dịch ở những nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá....
Xem hình
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tại Ninh Bình, ước đến hết năm 2018, có hơn 500 trường hợp mắc Quai bị. Tăng hơn gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017 (380 ca). Trước thực trạng bệnh Quai bị ngày càng gia tăng, việc trang bị kiến thức là hết sức cần thiết. Sau đây là một thông tin và cách phòng tránh bệnh Quai bị.

Nguyên nhân của bệnh quai bị

Nguồn bệnh là những người đang mắc quai bị cấp. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, chủ yếu do tiếp xúc với nước bọt hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh bắn ra khi ho hoặc chảy mũi.....

Triệu chứng của bệnh quai bị

Khi mới nhiễm virut quai bị, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai. Những triệu chứng này sẽ xuất hiện khoảng 1-2 ngày.

Sau đó người bệnh sẽ có các triệu chứng như:

+ Sốt cao 39-40 độ C trong 3-4 ngày

+ Một bên má (tuyến mang tai) bắt đầu sưng to, sau một hoặc vài ngày sẽ sưng tiếp bên còn lai (thường gặp sưng cả hai bên, ít gặp sưng chỉ một bên). Hai bên sưng không đối xứng

+ Chỗ sưng đau, không tấy đỏ, da căng, bóng, ấn không lõm, nước bọt ít, quánh.

Tuyến nước bọt mang tai hết sưng trong vòng 8-10 ngày (nếu không có biến chứng). Tuyến nước bọt không bao giờ hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn) và cũng không bị teo

Ngoài ra, bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở nam giới có thể dẫn đến viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn teo dần và có thể làm giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Còn ở nữ giới bị bệnh quai bị có biến chứng viêm buồng trứng; những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu. Bên cạnh đó, bệnh quai bị còn có các biến chứng nguy hiểm khác như: viêm não, viêm màng não, viêm tuyến giáp.....

Xử trí và cách phòng tránh bệnh quai bị

+ Khi nghi bị bệnh quai bị, cần hạ sốt, hạ thân nhiệt cho bệnh nhân bằng khăn ấm

+ Người mắc bệnh quai bị nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để phòng tránh lây nhiễm

+ Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.

+ Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc uống, thuốc bôi, đắp lên vùng bị sưng để tránh bị nhiễm độc.

+ Kiêng nước lạnh, kiêng gió.

+ Nghỉ ngơi, hạn chế vận động (đặc biệt là khi phát hiện tinh hoàn có hiện tượng sưng đau).

+ Tăng cường vệ sinh răng miệng, uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý.

+ Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Không ăn đồ nếp, cá mè, cá chép.

+ Ăn đa dạng các loại rau xanh và quả tươi giúp bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tăng khả năng miễn dịch.

+ Trong trường hợp sốt cao liên tục, không hạ sốt được hoặc thấy xuất hiện biến chứng cần sớm đưa đến bệnh viện.

Hiện nay, tiêm phòng vắc xin quai bị là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất. Trẻ từ 12 đến 14 tháng tuổi nên được tiêm mũi vắc xin tam liên (Vacxin Sởi-Quai bị-Rubella), liểu thứ hai nhắc lại khi trẻ được 4 đến  6 tuổi. Tiêm chủng quai bị rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, tạo miễn dịch phòng chống bệnh quai bị cho trẻ tuổi dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành./.

Tác giả: Thế Phương