Viêm âm đạo là bệnh khá phổ biến của người phụ nữ, nguyên nhân đa dạng, diễn biến phức tạp, điều trị khó khăn, nếu bị nặng có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, sẩy thai, đẻ non,…
Xem hình
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tại tỉnh Ninh Bình, tỷ lệ mắc viêm nhiễm phụ khoa ngày càng tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượt khám phụ khoa là 92.716 lượt, điều trị cho khoảng 45.000 ca. Riêng tại trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã khám và tư vấn cho 2.548 lượt bệnh nhân. Trong đó, viêm âm đạo là bệnh lý thường gặp nhất. Vậy đâu là nguyên nhân và làm cách nào để phòng tránh viêm âm đạo? Dưới đây là một số thông tin cần thiết:

Khí hư là triệu chứng nổi bật thể hiện nguyên nhân và tình trạng viêm âm đạo. Khi âm đạo vị viêm nhiễm, khí hư tiết ra nhiều, gây khó chịu làm cho người phụ nữ lo lắng, đây là lý do chính khiến người phụ nữ đi khám phụ khoa.

Những nguyên nhân chính gây viêm âm đạo và đặc điểm của khí hư

Viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas vaginalis là một bệnh thường gặp ở phụ nữ. Bệnh lây qua đường quan hệ tình dục là chủ yếu, ngoài ra bệnh còn có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt.

Triệu chứng của bệnh: khí hư có số lượng nhiều, loãng có bọt, màu vàng xanh, hôi. Đặc điểm của khí hư do trùng roi âm đạo có tính chất riêng biệt nên có thể phân biệt với khí hư do nấm và các tác nhân khác. Có thể kèm theo ngứa, đi tiểu khó và đau khi giao hợp. Âm hộ có thể viêm đỏ, phù nề.

Viêm âm đạo do nấm: là loại bệnh do nhiễm một loại nấm có tên là Candida (chủ yếu là Candida albicans). Chiếm khoảng 20% các trường hợp viêm âm đạo. Các yếu tố thuận lợi như dùng kháng sinh nhiều ngày, đái tháo đường, có thai, mặc quần quá chật hoặc thay đổi các sản phẩm dùng cho vệ sinh phụ nữ.

Triệu chứng của bệnh: thường ngứa nhiều; khí hư có màu trắng đục như váng sữa, không hôi, nhiều hoặc ít; có thể kèm theo đi tiểu khó, đau khi quan hệ. Âm hộ có thể viêm đỏ, phù nề.

Viêm âm đạo do vi khuẩn: nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn Gardnerella vaginalis, Mycoplasma Hominis, Mobiluncus có thể phối hợp với một số vi khuẩn khác.

Triệu chứng: người bệnh ra nhiều khí hư, mùi hôi như mùi cá ươn, màu xám trắng nhưng không có biểu hiện đau, không có biểu hiện viêm âm hộ - âm đạo. Bệnh không phải lây truyền qua đường tình dục nên không cần điều trị cho chồng hoặc bạn tình.

Viêm âm đạo do virus Herpes

Triệu chứng: đau và ngứa nhiều ở vùng kín, tầng sinh môn. Xuất hiện các nốt mụn nước nhỏ kèm theo những ổ loét ở niêm mạc và da. Sưng phù nề xung quanh vị trí bị tổn thương, đi tiểu khó. Có thể gây viêm trực tràng, viêm hầu họng, sốt, đau cơ...

Một số yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng mắc bệnh như: Sử dụng thuốc kháng sinh lâu dài, suy giảm miễn dịch, thụt rửa âm đạo hay thuốc đặt âm đạo lâu dài, Sử dụng nội tiết (thuốc ngừa thai, bệnh lý tuyến giáp, corticoids), thai kỳ, dụng cụ tránh thai không đảm bảo, quan hệ tình dục không an toàn…

Những lưu ý khi điều trị bệnh viêm âm đạo:

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cần phải vệ sinh âm đạo, quần áo lót sạch, phải được phơi nắng hoặc là trước khi dùng. Không quan hệ trong thời gian điều trị, cần điều trị cho cả người chồng hoặc bạn tình đối với những trường hợp bệnh lây qua đường tình dục. Để tránh bệnh tái phát, người bệnh cần điều trị cho hết liệu trình trong đợt viêm, sau đó, phải chú ý giữ vệ sinh vùng kín đúng cách, uống nhiều nước, ăn trái cây tươi và sinh hoạt lành mạnh để giữ sức khỏe tốt.

Cách phòng tránh viêm âm đạo:

- Khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời;

- Thực hành tình dục an toàn;

- Vệ sinh tốt cho cả hai người trước và sau khi quan hệ tình dục;

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân đúng cách: vệ sinh âm hộ hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, lau khô bằng khăn sạch, nhớ phải lau từ trước ra sau ;

- Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch. Tránh mặc quần áo chật, ẩm ướt hoặc đồ lót bó sát;

- Trong thời kỳ hành kinh: băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm, từ 4 đến 6 giờ phải thay một lần;

- Không tự thụt rửa âm đạo;

- Có chế độ sinh hoạt, làm việc lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý./.

Tác giả: Hà Nhi