Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Ninh Bình có hơn 500 trường hợp mắc Thủy đậu. Tăng hơn gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Thủy đậu là bệnh có tính chất lây lan mạnh, nhanh chóng trở thành dịch. Đồng thời, có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim và thậm chí dẫn tới tử vong. Dưới đây là một số thông tin và cách phòng tránh bệnh Thủy đậu.
Xem hình

Nguyên nhân và đường lây của bệnh Thủy đậu:

          Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes zoster gây nên, lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Đặc biệt, nguồn gây bệnh lớn nhất là người đang bị thủy đậu. Người bệnh có khả năng lây lan cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban và kéo dài cho đến khi ban đóng thành vẩy.

          Bên cạnh đó, một số trường hợp có dễ mắc thủy đậu như: trẻ em, người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.

          Triệu chứng của bệnh Thủy đậu

          - Mệt mỏi, sốt kéo dài 3 đến 5 ngày.

          - Xuất hiện ban trên da:

          + Đầu tiên trên mặt và thân mình, rồi nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể;

          + Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, sau đó vài giờ tiến triển thành phỏng nước (phỏng có dạng tròn hoặc bầu dục, kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh);

          + Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, sau đó dịch trở nên đục và vỡ ra, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông;

          + Số lượng và mức độ nặng của ban rất khác biệt giữa các người bệnh;

          + Tổn thương thủy đậu có thể gặp cả ở niêm mạc hầu họng và/hoặc âm đạo.

          - Người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ mang thai có nguy cơ tiến triển dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim và thậm chí dẫn tới tử vong (tỷ lệ tử vong có thể lên tới 15% khi không có điều trị kháng virus).

          Cách chăm sóc người bệnh Thủy đậu

          - Cách ly người bệnh, nằm phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Thời gian cách ly từ 1 đến 2 tuần từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn;

          - Không tiếp xúc trực tiếp với các nốt phỏng. Khi bạn cần tiếp xúc với người bệnh thủy đậu phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng;

          - Mặc quần áo vải mềm cho người bệnh, tránh cọ sát với nốt phỏng. Tránh làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo thành sẹo;

          - Dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng đã vỡ;

          - Giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch sẽ, không tắm quá lâu và kiêng gió. Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng;

          - Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả. Người bệnh nên kiêng ăn đồ nếp, thịt gà,... có thể khiến nốt phỏng mưng mủ;

          - Nếu người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt phỏng nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị hợp lý.

          Cách phòng tránh bệnh Thủy đậu

+ Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng để luôn có một cơ thể khỏe mạnh;

+ Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đặc biệt là trẻ nhỏ, không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng;

+ Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân;

+ Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật, lau sàn nhà, nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày;

  + Tiêm vắc xin phòng Thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất. Vắc xin phòng Thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao. Được chỉ định cho trẻ em từ 1 đến 12 tuổi chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với virus Herpes zoster./.

Tác giả: Hà Nhi