Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhất là ở lứa tuổi từ 35- 40 tuổi. Cho đến nay ung thư vẫn là một căn bệnh “bất trị”, đây vẫn là một vấn đề thách thức cho nền y học thế giới, chúng ta không thể điều trị tận gốc căn bệnh ung thư. Chính vì vậy việc phòng bệnh có ý nghĩa vô cùng lớn lao giúp loài người chúng ta ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Xem hình

Những dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư:

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra những dấu hiệu sau đây cho phép nhận biết bệnh ung thư:

- Những bộ phận nông của cơ thể xuất hiện mảng sưng hoặc khối cứng có thể sờ được, kể cả sưng tuyến hạch.

- Cục hoặc nốt ruồi đen có những thay đổi rõ rệt như nhanh chóng to ra, lông trên bề mặt rụng, ngứa cục bộ hoặc tiết ra dịch.

- Rối loạn tiêu hóa liên tục, đau bụng kéo dài hoặc có cục ở bụng.

- Nuốt khó khăn, có cảm giác tắc hoặc khó chịu sau xương ức.

- Nói khàn hoặc âm thanh khó khè, ho liên tục, trong đờm có máu tươi.

- Ra máu quá nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt, ra máu ngoài kỳ kinh hoặc sau khi tắt kinh.

- Các chất tiết ra của tai và mũi có máu, thị giác kém, thị lực giảm sút, thường hay ù tai.

- Vết thương hoặc vết loét lâu ngày không khỏi.

- Đau không rõ nguyên nhân và sút cân.

- Phân có máu và niêm dịch không rõ nguyên nhân, ỉa máu, đái ra máu.

 Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư:

- Người có yếu tố cơ địa quá nhạy cảm đối với các loại thuốc hoặc các chất hóa học dễ mắc ung thư hơn.

- Người thường mất ngủ đêm: tuy tới nay chưa tìm ra những bí ẩn về việc phát hiện bệnh ung thư nhưng có thể xác định được vấn đề ngủ không tốt là một nhân tố nguy hiểm của ung thư. Bởi vì tế bào ung thư đột biến trong quá trình phân chia tế bào, đêm là thời điểm phân chia tế bào mạnh nhất, ngủ không tốt con người rất khó kiểm soát được tế bào xảy ra đột biến từ đó hình thành tế bào ung thư.

- Người béo phì: phụ nữ béo phì nguy cơ mắc bệnh ung thư kết tràng, cao hơn gấp 2 lần phụ nữ bình thường, mắc ung thư vú cao hơn gấp 4-6 lần so với người bình thường.

- Thiếu vitamin: Nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở những người thiếu vitamin A gấp 35 lần, nguy cơ mắc các loại ung thư khác tăng gấp 2 lần so người bình thường, ở những người thiếu vitamin C nguy cơ mắc ung thư bàng quang, ung thư thực quản tăng gấp hai lần. Thiếu vitamin E, tỉ lệ mắc ung thư môi, ung thư khoang miệng, ung thư hầu, ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư phổi đều tăng.

- Cholesterol trong máu quá thấp: lại dễ dẫn tới ung thư, bởi vì Cholesterol là một trong những thành phần dưỡng chất không thể thiếu được của cơ thể giúp cơ thể chống đỡ với bênh tật.

- Người thường xuyên uống trà nóng dễ mắc ung thư thực quản.

- Người bị huyết áp cao

- Người mắc các bệnh viêm nhiễm mãn tính

- Người có thói quen thích ăn thịt nhiều hơn ăn rau

- Người nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia.

- Người hay bị táo bón.

- Yếu tố môi trường: ô nhiễm, nhiều chất phóng xạ.

 Phòng bệnh ung thư:

- Thay đổi lối sống, sinh hoạt, thói quen không tốt: đây là bước đầu tiên trong phòng bệnh ung thư có thể phòng được 1/3 bệnh ung thư:

+ Ít uống rượu, không hút thuốc, không ăn mặn, không ăn uống bừa bãi

+ Sản xuất và sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, không thuốc kích thích, không có dự lượng thuốc trừ sâu.

+ Không ăn nhiều thịt, mỡ.

+ Ăn thực vật nhiều xơ như: rau xanh, hoa quả, thức ăn nhiều vitamin C và A.

- Không quá lo sợ, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt: suốt ngày lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, rõ ràng không bị ung thư nhưng tinh thần lại rất suy sụp

- Thiết lập hồ sơ cá nhân theo dõi sức khỏe, đặc biệt những người mắc các bệnh mãn tính cần biết rõ bản thân phải chú ý những gì để làm tốt việc giữ gìn sức khỏe.

- Khám và theo dõi sức khỏe định kỳ: tạo thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ vì nó giúp cho việc phát hiện sớm bệnh tật hoặc nguy cơ bệnh tật, đặc biệt càng quan trọng đối với người trên 35 tuổi. Kiểm tra sức khỏe định kỳ còn giúp tăng thêm hiểu biết về yếu tố rủi ro liên quan đến bệnh tật gia đình.

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK