Dinh dưỡng có thể tác động rõ rệt đến huyết áp Động mạch thông qua nhiều yếu tố như lượng Natri, Kali, Calci, Magne, thành phần các chất béo, gluxit (đường, bột) ...Vì vậy chúng ta có thể phòng và điều trị tăng huyết áp bằng một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý.

 1. Mối liên quan giữa lượng muối Natri ăn vào và huyết áp Động mạch:

Những nghiên cứu, quan sát cho thấy: ở các quần thể lớn có tập quán ăn mặn thì có tỉ lệ người bị tăng huyết áp cao hơn hẳn so với các quần thể có tập quán ăn nhạt hơn.

Ví dụ : Người dân vùng Bắc Nhật Bản có thói quen ăn trung bình 25-30g muối/ ngày thì tỉ lệ tăng huyết áp đến 40%, ngược lại người dân ở miền Nam Nhật Bản chỉ ăn 10g muối/ ngày thì tỉ lệ tăng huyết áp chỉ vào khoảng 20%, người dân ở Eskimo và vài bộ lạc ở Châu Phi ăn nhạt hơn thì hầu như không có người bị tăng huyết áp.

Ở Việt Nam theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia: người dân Nghệ An ăn trung bình 14g muối/ ngày, ở Huế 13g muối/ngày thì tỉ lệ tăng huyết áp xấp xỉ 18%, còn người dân ở Thủ đô Hà Nội ăn trung bình 9g muối/ ngày thì tỉ lệ tăng huyết áp chỉ sấp xỉ 11%,

 - Lượng Natri trong chế độ ăn bao gồm 2 nguồn chính:

+ Phần cho thêm vào thức ăn khi chế biến (phụ thuộc vào khẩu vị từng người khi chế biến thức ăn)

+ Phần có sẵn trong thực phẩm: một số thực phẩm có chứa nhiều Natri như tất cả các loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói sấy khô và muối, các loại cá đóng hộp, hun khói và chế biến sẵn, các loại rau quả đóng hộp, mì chính, một số loại thuốc…

 2. Mối liên quan giữa lượng Kali và tăng huyết áp:

- Lượng Kali trong bữa ăn có tác dụng hạ huyết áp cho những bệnh nhân tăng huyết áp, ngược lại tình trạng hạ Natri máu do dùng thuốc lợi tiểu lại gây tăng huyết áp. Ở Việt Nam theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng thì chế độ ăn ít Natri, giàu Kali có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt.

- Lượng Kali thay đổi tùy loại nhóm thực phẩm:

+ Nhóm rau quả cung cấp nhiều nhất là bí đao, khoai tây, su hào, đậu đỗ.

+ Nhóm cung cấp nhiều thứ 2 tiếp theo là sữa, thịt, trứng, sản phẩm ngũ cốc và các loại rau khác.

3. Vai trò của chất béo trong khẩu phần ăn với tăng huyết áp:

- Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan khá rõ giữa lượng chất béo trong khẩu phần ăn với tăng huyết áp. Nếu giảm tổng số chất béo từ 38-40% năng lượng khẩu phần ăn xuống 20-25% thì huyết áp giảm rõ ràng, ngược lại nếu chế độ ăn nhiều Cholesterol lại liên quan đến tăng huyết áp.

4. Rượu và tăng huyết áp:

Uống nhiều rượu liên quan đến tăng huyết áp. Nếu uống rượu 3-5 lần/ngày có nguy cơ tăng huyết áp. Ngược lại ở người tăng huyết áp nếu bỏ rượu thì huyết áp tâm thu giảm 4 - 8 mmHg, huyết áp tâm trương cũng giảm nhưng ít hơn.

5. Chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng và điều trị tăng huyết áp:

- Không để tăng cân quá mức, điều trị giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập.

- Giảm lượng Natri đưa vào cơ thể, ở người bình thường lượng muối ăn dưới 6g/ ngày, ở người tăng huyết áp chỉ nên ăn 4- 6g muối/ ngày.

- Chế độ ăn nhiều hoa quả giàu kali.

- Tiêu thụ nhiều chất xơ, sử dụng các axit béo không no từ nguồn cá, dầu lạc…

- Không uống rượu thường xuyên hoặc uống quá nhiều.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào

- Tránh căng thẳng thần kinh nên có cách giải trí, thư giãn phù hợp


Tác giả: Trung tâm TTGDSK