Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Xem hình

Biểu hiện lâm sàng

          Người bệnh nhiễm cúm A H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:

          - Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu.

          - Đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho

          -Ho, đau họng.

          -Đau nhức cơ bắp.

          -Viêm màng kết.

          - Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở

          - Ngoài ra bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.

          Phương thức lây truyền

          Các chủng của vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người; tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mắc bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.

          Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phần gia cầm) hay qua ăn uống nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm vi rút.

          Phòng bệnh Cúm A/H5N1

          Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống

          - Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày;

          - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng: che miệng và mũi khi ho, hắt hơi;

          - Vệ sinh và mở cửa thoáng mát lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt và dụng cụ bằng hoá chất sát khuẩn thông thường;

          - Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật mắc bệnh; nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc;

          - Không ăn thức ăn chưa được nấu chín, không ăn tiết canh. Nên nấu chín thịt gia cầm cho đến khi phần thịt bên trong không còn màu hồng và không để lẫn thịt đã nấu chín với thịt sống;

          - Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn đã cham vào thịt sống trước khi sử dụng lại những dụng cụ đó.

          Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

          - Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh;

          - Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;

          - Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh;

          - Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như: Sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

          - Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm  chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan;

          - Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm;

          - Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời;

          - Dùng Chloramin B, các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm./.

Tác giả: Thế Phương