Nguy cơ cảm lạnh vẫn tăng cao ngay giữa mùa hè nắng nóng do nhiều người có xu hướng ngâm mình trong nước quá lâu cũng như uống nước đá nhiều hơn để giải nhiệt...

Tại sao bị cảm lạnh trong mùa hè nắng nóng?

Cảm lạnh dễ xuất hiện khi thời tiết thay đổi hoặc trong những ngày lạnh và mưa. Nhưng trên thực tế, mọi người vẫn có thể bị cảm lạnh ngay trong những ngày hè nóng nực. Nguyên nhân xuất phát từ những cách giải nhiệt trong ngày hè.

Do ngâm mình trong nước quá lâu: Mùa hè nắng nóng khiến không ít người tắm nhiều lần trong ngày như một cách “xả nóng” hoặc lựa chọn đi bơi, đi biển. Việc ngâm mình trong nước quá lâu khiến thân nhiệt bị hạ thấp và dễ dàng bị cảm lạnh.

Do ăn nhiều đồ lạnh, nước đá: Thời tiết nắng nóng là thời điểm lý tưởng để thức uống lạnh lên ngôi. Nếu đang đi nóng về mà ăn kem, uống nước đá... nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột làm bị bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm. Sử dụng quá nhiều đồ uống lạnh và nước đá còn khiến cổ họng rất dễ bị tổn thương.

Do mở công suất quạt quá lớn: Chống lại tiết trời oi bức bằng cách mở hết năng suất của quạt được xem là một thượng sách được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, để quạt số to, quá gần, thốc vào người rất dễ gây cảm lạnh. Thói quen vừa bật quạt hết công suất, vừa đắp chăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảm lạnh mùa hè vì việc chăn áp sát vào cơ thể cũng gây ra mồ hôi, chúng rất dễ ngấm ngược trở lại cơ thể.

Do để nhiệt độ điều hòa quá thấp: Đối phó với thời tiết nắng nóng, điều hòa nhiệt độ là lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Tuy nhiên, khi nhiệt độ trong phòng xuống quá thấp so với nhiệt độ ngoài trời, khi ra môi trường bên ngoài cơ thể không kịp thích nghi dễ khiến mất cân bằng nhiệt dẫn đến những cơn cảm lạnh kéo dài.

Do tắm ngay sau khi vận động, đi nắng hoặc tắm quá khuya: Sau khi đi nắng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi, nhiều người thường có thói quen tắm ngay. Việc làm này khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh hơn khi nước trực tiếp đi ngược vào trong cơ thể thông qua các lỗ chân lông đang giãn nở. Việc tắm quá khuya cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng cảm lạnh mùa hè. Đặc biệt, mùa hè, mưa nắng thất thường cũng là nguyên nhân gây bệnh. Đang nóng, người toát mồ hôi, lại gặp mưa, rất dễ bị cảm lạnh.

Ngăn ngừa cảm lạnh mùa hè

Triệu chứng của cảm lạnh mùa hè không khác mấy so với của cảm lạnh vào bất kỳ thời gian nào khác. Những triệu chứng thường gặp nhất bao gồm: hắt hơi, sổ mũi, tắc mũi, đau đầu, đau họng, ho, chảy nước mắt, ngứa mắt, mũi hoặc tai, sốt. Nếu các triệu chứng như chảy nước mũi, ho và đau họng kéo dài hơn một hoặc hai tuần, không gây sốt hay đau nhức cơ có thể bị dị ứng. Trong trường hợp cảm thấy bị đau nhức ở cơ và cả cơ thể thì có thể là do cúm.

Điều trị cảm lạnh, ngoài uống thuốc, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước để duy trì độ ẩm, súc miệng bằng nước muối khi bị đau họng, dùng nước muối hoặc thuốc xịt để làm giảm nghẹt mũi. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị tự nhiên các triệu chứng cảm lạnh thông thường mà hầu như không có tác dụng phụ như gừng, tỏi, mật ong hoặc hỗn hợp mật ong hòa với nước cốt chanh, chanh tắc chung đường phèn, trà rau mùi, củ hành đỏ, tiêu đen, quế hoặc ăn cháo nóng...

Để phòng ngừa cảm lạnh mùa hè, tuyệt đối không ăn uống đồ lạnh, không ngâm mình trong nước quá lâu, không mở công suất quạt quá lớn, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp hay không tắm ngay sau khi vận động, đi nắng hoặc tắm quá khuya. Cần uống nhiều nước, nhất là khi ở bên ngoài bởi khi trời nóng, con người thường mất nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nước, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cần ngủ đủ giấc, tắm bằng nước ấm. Ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng: vitamin A trong cà rốt, cà chua có tác dụng làm toàn vẹn đường hô hấp, làm sức khoẻ tốt hơn; vitamin C từ nước quả trực tiếp tốt trong tăng cường đề kháng, miễn dịch. Thường xuyên rửa tay kĩ với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế tiếp xúc những người bị cảm lạnh./.