Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên, lây theo đường hô hấp qua các giọt nước bọt li ti khi ho, hắt hơi, có thể gây thành dịch chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Biểu hiện lâm sàng rõ nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không có mủ và các tuyến nước bọt khác, viêm tinh hoàn, buồng trứng, viêm tụy, viêm thần kinh Trung ương…
Xem hình

 Vi rút gây bệnh Quai bị thuộc họ Myxovirut có sức đề kháng kém, bất hoạt nhanh dưới ánh nắng mặt trời và các hóa chất thông thường, tồn tại lâu ở nhiệt độ thấp.

Bệnh gặp ở tất cả các nước trên thế giới, xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa đông xuân. Sau mắc bệnh để lại miễn dịch bền vững nhiều năm.

Đường lây trực tiếp: bằng đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành. Thời gian lây từ 7 ngày trước khi sưng tuyến nước bọt mang tai và kéo dài trong cả giai đoạn toàn phát của bệnh.

Biểu hiện của bệnh thể điển hình: là viêm tuyến nước bọt mang tai chiếm khoảng 70% số ca mắc. Khi nhiễm vi rút từ 18 - 21 ngày không có biểu hiện gì, sau đó bệnh nhân sốt cao 38-3805 C, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém.

Sau sốt 24-28 giờ thì xuất hiện viêm tuyến nước bọt mang tai lúc đầu ở một bên sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia (thường cả 2 bên tai, ít khi bị một bên), hai bên sưng không đối xứng, thường một bên to, một bên nhỏ. Sưng làm biến dạng mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ, da chỗ sưng căng bóng không đỏ, ấn không lõm có cảm giác đàn hồi, sờ nóng, chắc, viêm đều (đường từ đỉnh tai song song vành cung xuống dưới chia đều tuyến thành 2 phần bằng nhau), nước bọt ít và quánh.

Đau tại 3 điểm hình tam giác (khớp thái dương hàm; góc dưói xưng hàm; mỏm châm chũm), Dấu hiệu 3 điểm Rillet & Barthez.

Khám miệng thấy ống Stenon đỏ sưng tấy, lỗ ống sưng tấy rõ (dấu hiệu Mouson).

Các triệu chứng khác như đau hàm khi há miệng, khi nhai nuốt, họng viêm đỏ, vẫn sốt, đau đầu, có thể có nhịp tim chậm.

Thường hết sốt sau 3-4 ngày, tuyến nước bọt hết sưng trong vòng 8-10 ngày, hạch sưng kéo dài hơn một chút, các tuyến nước bọt và hạch không hóa mủ, không teo trừ khi bội nhiễm.

Biến chứng: Nhìn chung là bệnh lành tính, hãn hữu có thể tử vong do viêm não, viêm cơ tim, viêm tụy.

- Khi phụ nữ có thai mắc quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non.

- Nam giới bị viêm tinh hoàn nặng cả 2 bên có thể để lại di chứng teo tinh hoàn, vô sinh.

- Các biến chứng khác là đái tháo đường do viêm tụy, điếc do tổn thương dây thần kinh số VIII.

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau:

- Viêm mủ tuyến mang tai do vi khuẩn thường một bên có sưng nóng đỏ đau, có hóa mủ khi ấn vào lõm…

- Sỏi tuyến nước bọt mang tai thường bị đi bị lại nhiều lần, sưng tăng lên theo các bữa ăn. Chụp tuyến nước bọt thấy sỏi.

- Viêm hạch góc hàm dưới do viêm nhiễm ở các khu vực xung quanh (răng, hàm hầu họng, amydan) hạch có ranh giới rõ di động và đau, có chỗ viêm ở khu vực lân cận.

- Phì đại tuyến mang tai 2 bên bất thường không có dấu hiệu bệnh lý như sốt đau tuyến mang tai, bệnh đã có từ lâu không thấy sưng hay giảm đi qua theo dõi một số ngày.

Điều trị:

- Là bệnh do vi rút, không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng.

- Súc miệng nước muối nhạt, hạ sốt nếu sốt quá cao, cho dùng thuốc giảm đau, an thần nhẹ, cho uống nhiều nước, nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại trong thời gian bị bệnh, còn sốt và còn sưng tuyến mang tai, tinh hoàn, hạch.

- Nếu có viêm tinh hoàn có thể dùng vitamin E trong vòng từ 1-2 tháng để tăng lượng tinh trùng.

- Thể viêm tụy dùng thêm các thuốc chống đau bụng, chống nôn, kiêng rượu bia một thời gian.

- Nếu có biểu hiện viêm não thì chống phù nề não, dùng thêm Corticoide và kháng sinh kết hợp chống bội nhiễm, trợ tim mạch bù nước và các chất khoáng, nuôi dưỡng đủ chất dinh dưỡng và chăm sóc hộ lý tốt.

Phòng bệnh:

- Khi bị bệnh thường phải cách ly 14 ngày, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, hạn chế đi lại, vận động nhiều tránh các di chứng tinh hoàn về sau này.

- Chủ động tiêm vacxin quai bị, có thể kết hợp vắc xin như vắc xin sởi, rubella theo lịch tiêm chủng (đặc biệt cho những người có một tinh hoàn, nghe kém). Vacxin cho miễn dịch tốt, không có tai biến, bảo vệ được 3-5 năm và có thể tiêm nhắc lại.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK