Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây nên. Bệnh có hai chủng: chủng thứ nhất là chủng virus Coxsackie A16 chủng này thường lành tính; chủng thứ 2 là chủng Enterovirus typ 71 có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong. Ở miền Bắc trong đợt vừa qua theo thông báo của Bộ Y tế có 1 số ca đã xuất hiện chủng Enterovirus typ 71 (còn gọi là EV 71)
Xem hình

 

Tính chất lây lan của bệnh

          Virus có tính chất lây lan rất mạnh. Theo hai con đường

          - Theo đường tiêu hoá: Khi bà mẹ tiếp xúc với phân và nước tiểu và chất dịch trong mụn nước vỡ ra ở trẻ bệnh sau đó tiếp xúc với trẻ lành.

          - Theo đường hô hấp: Trẻ lành hít phải nước bọt, chất dịch của trẻ bị bệnh khi ho, hắt hơi . Tuy nhiên tỷ lệ này rất ít.

          Bệnh lây trong vòng 2 tuần.

          - Lứa tuổi mắc: Tập trung nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi,  nhiều nhất là từ 6 - 36 tháng tuổi. tỷ lệ này > 90%. Bệnh cũng xảy ra ở trẻ nhũ nhi vì các trẻ này đang bú mẹ mà chưa có kháng thể từ mẹ truyền sang; người lớn cũng có thể bị bệnh này nếu như chưa có miễn dịch với bệnh.

          Triệu chứng của bệnh

          - Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày.

          - Thường bị tổn thương ở 5 vị trí: lòng bàn tay, bàn chân đầu gối, mông, miệng.

          - Đầu tiên là sự xuất hiện các giáp màu hồng chìm ở dưới da đường kính từ 2-4mm. Sau 1 thời gian chuyển sang giai đoạn toàn phát xuất hiện các mụn nước đường kính từ 4-8mm, có trường  hợp vị trí tổn thương ở trong niêm mạc miệng, thường là mặt trong của má, lợi, mặt bên của lưỡi làm cho trẻ ăn kém, bỏ ăn, bỏ bú

          Biến chứng của bệnh

          Bệnh có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thường do chủng Enterovirus típ 71 gây ra.

          Điều trị

          -  Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng bệnh tay chân miệng, các bà mẹ nếu thấy con em mình có các triệu chứng trên phải đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.

          - Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân.

          -  Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.

          -  Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm

          Phòng ngừa

           Các biện pháp phòng ngừa là:

          - Cách ly trẻ bị bệnh trong vòng 1 tuần, không tiếp xúc với trẻ lành..

          - Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

          - Nền nhà và đồ chơi của trẻ bị bệnh phải được rửa bằng chất sát khuẩn.

          - Giáo dục rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn./.

 Bác sĩ  Phạm Văn Yên - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh