Tai nạn thương tích nghề nghiệp hay còn gọi là tai nạn lao động thường xảy ra do tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong.

 Trong quá trình lao động, sản xuất thường phát sinh những yếu tố độc hại và nguy hiểm như làm việc trên cao, nhiệt độ cao, hóa chất độc, tia phóng xạ và chất phóng xạ, cháy, nổ, điện cao thế, lở đất, sập hầm…. Ngoài ra trong môi trường lao động còn tồn tại những yếu tố tác hại nghề nghiệp như yếu tố vật lý (vi khí hậu, tiếng ồn…), yếu tố hóa học và hóa lý (hóa chất độc, bụi…), yếu tố sinh học (vi khuẩn, siêu vi trùng, ký sinh trùng, côn trùng, nấm mốc...). Người lao động khi tiếp xúc với một hay nhiều yếu tố đó quá nồng độ giới hạn cho phép hoặc quá ngưỡng sinh học sẽ bị ảnh hưởng gây ra các rối loạn về sinh lý, sinh hóa không hồi phục dần dần sẽ dẫn đến bệnh tật cũng được gọi là không an toàn nghề nghiệp.

Tai nạn nghề nghiệp được chia làm ba loại

- Tai nạn lao động chết người: người lao động bị tai nạn chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn, chết trên đường đi cấp cứu, chết trong quá trình điều trị…

- Tai nạn lao động nặng: là người lao động bị các chấn thương

+ Chấn thương vùng đầu, mặt, cổ: Các chấn thương sọ não hở hoặc kín, dập não, máu tụ trong sọ, vỡ sọ, tổn thương phần mềm rộng ở mặt, bị thương vào cổ, tác hại đến thanh quản và thực quản …

+ Chấn thương vùng ngực, bụng: Tổn thương lồng ngực tác hại đến cơ quan bên trong, hội chứng chèn ép trung thất, dập lồng ngực hay lồng ngực bị ép nặng, gãy xương sườn, thủng, vỡ tạng trọng ổ bụng, đụng, dập, ảnh hưởng tới vận động của xương sống, vỡ, trật xương sống, tổn thương các cơ quan sinh dục…

+ Chấn thương phần chi trên: Tổn thương xương, thần kinh, mạch máu ảnh hưởng tới vận động của chi trên. Tổn thương phần mềm rộng khắp ở các chi trên, tổn thương ở vai, cánh tay, cổ tay làm hại đến các gân, dập, gẫy, vỡ nát các xương đòn, bả vai, bàn tay, đốt ngón tay, trật, trẹo các khớp xương lớn.

+ Chấn thương phần chi dưới: Chấn thương ở các chi dưới gây tổn thương mạch máu, thần kinh, xương ảnh hưởng tới vận động của các chi dưới, bị thương rộng khắp ở chi dưới, gẫy và dập xương hông, khớp hông, đùi, đầu gối, ống, cổ chân, bàn chân và các ngón.

+ Tổn thương do bỏng: Bỏng độ 3, bỏng do nhiệt rộng khắp độ 2, độ 3, bỏng nặng do hóa chất độ 2, độ 3, bỏng điện nặng, bị bỏng lạnh độ 3, bị bỏng lạnh rộng khắp độ 2, độ 3.

+ Nhiễm độc các chất ở mức độ nặng: Ô xít Các-bon, Ô xít Ni-tơ, Hydro Sunfua, Ô xít các bon níc ở nồng độ cao, Nhiễm độc cấp các loại hóa chất bảo vệ thực vật, Các loại hóa chất độc khác thuộc danh mục phải khai báo, đăng ký.

- Tai nạn lao động nhẹ: là người bị tai nạn không thuộc 2 loại tai nạn lao động nói trên.

Nguy cơ và nguyên nhân tai nạn lao động:

Nguy cơ tai nạn lao động được chia thành 5 nhóm cơ bản:

1. Nhóm các yếu tố cơ học: Các bộ phận, cơ cấu truyền động, các mảnh văng của dụng cụ hoặc vật liệu gia công, các vật rơi từ trên cao, sự sập gãy hay sụt lở công trình, trơn trượt ngã..vv.

2. Nhóm các yếu tố về điện: Điện giật, bỏng điện, chập cháy nổ do điện, sét đánh...vv.

3. Nhóm các yếu tố hóa học: Các chất gây nhiễm độc cấp tính ví dụ như khí axit SO2, SO3, các oxit cacbon CO và CO2; oxit nitơ NO2, Hidrosunfua H2S. Các hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hóa chất độc hại khác nằm trong danh mục phải khai báo đăng ký, bỏng hóa chất độ 1, độ 2.

4. Nhóm các yếu tố gây nổ: Nổ hóa học (nổ cháy xăng dầu, khí đốt, thuốc nổ…), nổ vật lý (nổ nồi hơi, bình khí nén..).

5. Nhóm yếu tố về nhiệt: Các chất truyền nhiệt thể lỏng, hơi, khí, rắn có thể gây bỏng (nóng hoặc lạnh), gây cháy do ngọn lửa, tia lửa, vật nung nóng – nấu chảy, hơi khí xả nóng….vv.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động được chia làm 3 nhóm chính:

1. Nhóm nguyên nhân kỹ thuật:

- Kết cấu máy móc không phù hợp với nhân trắc người lao động. Các kết cấu chi tiết máy không đảm bảo được độ bền cơ lý hóa.

- Thiếu các thiết bị, cơ cấu che chắn an toàn.

- Thiếu các cơ cấu phòng ngừa quá tải: phanh, khóa, van, thiết bị khống chế hành trình.

- Thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện các quy trình, quy phạm an toàn khi vận hành sử dụng thiết bị.

- Thiếu các phương tiện cơ giới hóa hoặc tự động hóa tại các nơi vùng làm việc lao động nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại.

- Không chịu sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc có sử dụng thì phương tiện đã hư hỏng, không đúng tiêu chuẩn.

- Các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không được đăng kiểm định kỳ và thiếu giấy phép vận hành nên không đảm bảo an toàn cho người vận hành.

2. Nhóm nguyên nhân về tổ chức lao động:

- Tổ chức chỗ làm việc thiếu khoa học, không hợp lý, chật hẹp, gò bó…

- Bố trí, lắp đặt, sắp xếp máy móc thiết bị không đúng nguyên tắc an toàn, nếu xảy ra sự cố tại một máy có thể gây sự cố cho các máy bên cạnh.

- Bố trí mặt bằng sản xuất, đường đi lại, vận chuyển không an toàn, chật hẹp, giao nhau, gồ ghề…

- Người lao động không được cấp phương tiện bảo vệ cá nhân có chủng loại phù hợp với công việc.

- Công tác giáo dục, huấn luyện về An toàn vệ sinh lao động trong công nhân lao động không tốt. huấn luyện không đúng định kỳ, không có nội quy an toàn, thiếu những biển báo an toàn…

3. Nhóm nguyên nhân về vệ sinh công nghiệp

- Vi phạm các yêu cầu về vệ sinh công nghiệp, bố trí các nguồn phát sinh bụi, hơi, khí độc ở đầu hướng gió chính, hoặc ở tầng dưới, thiếu thiết bị khử độc lọc bụi trước khi phát thải.

- Không đảm bảo điều kiện vi khí hậu theo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.

- Không đảm bảo tiêu chuẩn ánh sáng, tiếng ồn, độ rung…

- Phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, bất tiện cho người sử dụng.

- Vệ sinh công nghiệp tại máy, nơi làm việc và trong phân xưởng không đúng quy định.

 Hậu quả của tai nạn lao động

Tổn hại về sức khỏe và tính mạng con người, các tổn thất về kinh tế như: mất sản phẩm, chi phí cho y tế điều trị và phục hồi chức năng. Mất và giảm khả năng lao động vĩnh viễn, chấn thương về tinh thần ở những người lao động khác do tác động tâm lý của vụ tai nạn lao động… Những mất mát lâu dài tính được và không tính được lớn gấp nhiều lần chi phí trực tiếp ngay sau khi bị tai nạn lao động.

Những biện pháp phòng chống tai nạn lao động

1. Biện pháp tổ chức, đào tạo

- Nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, các nhà quản lý các qui định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động là việc làm cần thiết hàng đầu để mọi người cùng tham gia vào phòng chống tai nạn lao động.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các qui trình, qui phạm an toàn vệ sinh lao động trong điều kiện sản xuất cụ thể của doanh nghiệp. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn vệ sinh lao động đối với tất cả các thành phần kinh tế.

- Thường xuyên huấn luyện, nhắc nhở người lao động về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động tại vị trí lao động của họ và cách phòng chống tự bảo vệ mình. Đó là cách phòng chống tai nạn lao động quan trọng nhất và thiết thực nhất.

- Tổ chức và đào tạo về sơ cứu, cấp cứu: Hướng dẫn thực hành cho người lao động cách sơ cứu và những gì cần lưu ý khi bị chấn thương. Chỉ với các kiến thức sơ lược và thao tác đơn giản khi sơ cứu ban đầu, vận chuyển nạn nhân, buộc garo, băng các vết thương... mà giảm được tổn thương tai nạn, giảm tỷ lệ tử vong.

 2. Biện pháp kỹ thuật, công nghệ

- Đổi mới máy móc, thiết bị: Loại dần các máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường lao động, thay thế những cơ cấu, thiết bị đã xuống cấp, có thể làm đổ, làm hỏng kết cấu. Cơ giới hoá và tự động hoá từng bước, đặc biệt những khâu sản xuất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, loại dần các khâu làm việc thủ công.

- Lắp đặt các cơ cấu che chắn các bộ phận chuyển động (bánh răng, trục truyền, dây đai); Lắp đặt các hệ thống tín hiệu, các biển báo, bảng quy tắc kỹ thuật an toàn. Kiểm tra độ an toàn của bình áp lực, phanh hãm.

- Trang bị phương tiện vận chuyển vật nặng, nạp liệu

- Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp như ủng cách điện ở nơi có nguy cơ điện giật, mặt nạ phòng độc, chống bụi... ở nơi ô nhiễm bụi, hơi khí độc...

 3. Biện pháp vệ sinh công nghiệp

- Thiết kế nhà xưởng hợp vệ sinh cho từng loại hình công nghiệp. Đặt các phân xưởng ở vị trí làm sao không để bụi, hơi khí độc theo hướng gió gây ô nhiễm không khí cho các phân xưởng khác và cộng đồng.

- Bố trí máy móc hợp vệ sinh: Thiết kế và bố trí máy móc theo đúng qui phạm kỹ thuật. Bố trí đường đi thuận tiện trong nhà máy, có nơi xếp đặt nguyên liệu và thành phẩm.

- Nơi có tiếp xúc các chất độc hại: Hệ thống sản xuất cần khép kín, che chắn, bao che tránh bụi, hơi, khí độc rò rỉ; Có các hệ thống thông gió, chống nóng, hút bụi, hơi khí độc, chiếu sáng hợp lý; Có các thiết bị chống ồn, rung; Phải có nhà tắm, chậu rửa mặt, nhà vệ sinh cho nữ công nhân, phương tiện cấp nước uống, nước rửa trong phân xưởng. Nơi ăn giữa ca và thay quần áo ở vị trí không bị ô nhiễm.

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK