Tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đáng lo ngại là đã có nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm vi-rút Zika. Tại Hà Nội, tuy chưa có bệnh nhân mắc nhưng khả năng dịch xâm nhập rất lớn. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ với vi-rút Zika.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cả nước hiện đã có 36 trường hợp dương tính với vi-rút Zika. Dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng, chống dịch triệt để và hiệu quả. Đáng chú ý, trong những trường hợp đã được xác định dương tính với vi-rút Zika thì có bốn phụ nữ đang mang thai (một người mang thai dưới ba tháng).

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, bệnh nhân nhiễm vi-rút Zika thông thường ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau từ bảy đến mười ngày. Các nghiên cứu cho thấy vi-rút Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả trường hợp nhiễm đều mắc dị tật này. Vì vậy, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, các thai phụ không quá lo lắng. Trên thế giới, cụ thể ở Bra-xin, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ cũng chỉ khoảng 10%. Vì thế, việc theo dõi chặt trong ba tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường, việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó, vì bằng siêu âm hai tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay. Phụ nữ mang thai cần phải đi khám thai định kỳ, nhất là khi có các triệu chứng bất thường như sốt, phát ban…

Hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã nâng mức cảnh báo đối với bệnh do vi-rút Zika. Đồng thời tăng cường biện pháp giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, khai thác tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika.

Tại Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Hà Nội qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, tăng cường kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt. Đối với hành khách đến từ các vùng đang có dịch bệnh do vi-rút Zika phải áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đối với Trung tâm y tế các quận, huyện tiếp tục thực hiện các đợt tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện thành phố chưa có trường hợp nhiễm vi-rút Zika nào, nhưng trong thời gian tới, có thể sẽ có người mắc bệnh do muỗi truyền vi-rút Zika có lưu hành tại Hà Nội. Trước tình hình Việt Nam đã có trường hợp trẻ bốn tháng tuổi bị chứng đầu nhỏ do Zika, thành phố đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các Trung tâm chăm sóc sức khỏe trực thuộc Sở Y tế tăng cường quản lý thai sản, khám sàng lọc phụ nữ có thai nghi nhiễm vi-rút Zika để tư vấn và xét nghiệm. “Lưu ý các trường hợp phụ nữ có thai bị phát ban, sốt, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt đỏ hoặc siêu âm thai nghi ngờ bị chứng đầu nhỏ và các bà mẹ sinh con có đầu nhỏ. Khi phát hiện các ca nghi ngờ, các đơn vị sản khoa cần báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, tuyệt đối không bỏ sót ca bệnh”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức bắt muỗi xét nghiệm tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm mầm bệnh gây bệnh sốt xuất huyết và Zika. Cụ thể là tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và xã Đại Thành (huyện Quốc Oai).

Bên cạnh đó, đến thời điểm này, Hà Nội cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, nhân lực nhằm kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Sở Y tế kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, chủ động phòng bệnh do vi-rút Zika và bệnh sốt xuất huyết.