Ngày 16/11/2016, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Hội nghị khoa học Quản lý toàn diện Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) từ bệnh viện đến cộng đồng.

Tới dự Hội nghị có PGS.TS. Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; GS.TSKH.BS. Dương Quỹ Sỹ, Đại sứ Hội Hô hấp Châu Âu tại Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng; đại diện các bệnh viện, chuyên ngành lao, bệnh phổi tại Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo khoa, phòng của Bệnh viện.

Hội nghị khoa học Quản lý toàn diện Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) từ bệnh viện đến cộng đồng nhằm tăng cường hiểu biết và phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại cộng đồng. Đây là hoạt động thường niên của Bệnh viện hưởng ứng ngày Đo chức năng hô hấp toàn cầu và Thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Triệu chứng hô hấp thường gặp của bệnh là khó thở, ho và khạc đàm. Yếu tố nguy cơ chính gây bệnh là thuốc lá. Tuy nhiên, tiếp xúc với những yếu tố môi trường như: nhiên liệu sinh khối và ô nhiễm không khí cũng có thể là nguy cơ gây bệnh… Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường mắc phải những bệnh đi kèm như: suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.

ThS.BS. Vũ Văn Thành, Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện thế giới có khoảng 3,1 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hiện xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Thế nhưng hầu hết người dân lại không biết được sự nguy hiểm của căn bệnh này. Tại Việt Nam, điều tra dịch tễ học bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho thấy, tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở tuổi trên 40 là 4,2% trong đó nam là 7,1% và nữ là 1,9% và chỉ có 4,3% dân số đã từng nghe về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong 205/534 bệnh nhân mắc bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng như ho, khạc đờm hay khó thở, đây là vấn đề khó khăn trong phát hiện sớm COPD.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận về Dự phòng đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và vấn đề tuân thủ điều trị; Cập nhật chẩn đoán và điều trị COPD theo Gold 2017 và các khuyến cáo do các báo cáo viên là các nhà khoa học, bác sỹ, chuyên gia hô hấp đầu ngành trong nước trình bày. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh; tăng cường hiểu biết và phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, cải thiện sức khỏe người bệnh ngay tại cộng đồng.