Từ năm 2010, Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định lấy ngày 28-7 hằng năm là Ngày viêm gan thế giới như là hồi chuông báo động và kêu gọi các quốc gia hãy hành động ngay, trước khi quá muộn. WHO cũng phải dùng cụm từ "kẻ giết người thầm lặng" để nhấn mạnh sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Xem hình
Ảnh minh họa.

"Đại dịch" viêm gan vi-rút đang ngày càng nghiêm trọng, số người nhiễm vi-rút viêm gan B ngày càng gia tăng, đã lên đến con số hai tỷ người. Hằng năm, số người bị viêm gan vi-rút B, viêm gan vi-rút C, xơ gan, ung thư gan lên tới 500 triệu người, đồng thời gây ra cái chết của hơn 1,4 triệu người. Hiện nay, số người mắc vẫn tiếp tục tăng, tùy theo vùng miền, châu lục, nhưng tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan C là khoảng 3% số dân toàn thế giới; đối với nhiễm vi-rút viêm gan B thì cứ hơn ba người có một người mang vi-rút. Đại dịch rất nghiêm trọng, song các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia chưa có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn. Trong khi đó, nhận thức của người dân chưa đầy đủ về tác hại của hai loại vi-rút viêm gan. Nhiều người cũng chưa biết đường lây truyền của bệnh, cách dự phòng, cách chăm sóc điều trị, vì vậy bệnh từ người này lây qua người khác, từ mẹ lây sang con...

Hưởng ứng kêu gọi của WHO, năm 2012, Hội Gan Mật Việt Nam đã phát động phong trào toàn dân chung tay đánh gục vi-rút viêm gan. Cuộc phát động là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự vào cuộc của nước ta cùng toàn thế giới chống lại đại dịch này. Ba năm qua, nhiều hoạt động đã được triển khai và cũng thu được một số thành tích đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để mọi người, mọi nhà biết được sự nguy hiểm, sự lây lan, cách dự phòng, cách chăm sóc điều trị. Hội Gan Mật Việt Nam cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động cuộc thi tìm hiểu bệnh viêm gan trên toàn quốc, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu cách dự phòng, phương pháp chẩn đoán, cách điều trị phù hợp, Hội đã xây dựng và ban hành hướng dẫn cách chăm sóc điều trị đối với viêm gan vi-rút B và vi-rút C. Các kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong chẩn đoán điều trị: ứng dụng sinh học phân tử, dùng hạt vi cầu có đánh dấu, đốt sóng cao tần (RFA) trong điều trị u gan... Riêng lĩnh vực ghép gan đã có bước tiến dài, đạt trình độ ngang tầm với một số nước trong khu vực.

Cuộc vận động toàn dân chung tay đánh gục vi-rút viêm gan đang thật sự đi vào cuộc sống, nổi bật như ở Kiên Giang, Hưng Yên, Quảng Bình... cùng các bộ, ban, ngành trung ương. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi-rút, giai đoạn từ 2015 - 2019, kế hoạch rất cụ thể từ các viện, bệnh viện trung ương cho đến các trạm y tế phường, xã đều vào cuộc. Có thể nói, mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ trên cuộc chiến chống dịch viêm gan vi-rút.

Tuy đã có nhiều cố gắng, song đại dịch viêm gan vi-rút đã và đang gây tác hại rất lớn, khi cả nước có hơn hai triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Đáng chú ý, loại bệnh này khó chữa trị, kéo dài và gây tốn kém, tỷ lệ tử vong cao. Chính nó đang là rào cản đối với công tác xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới của nước ta.

Hưởng ứng Ngày viêm gan thế giới năm 2015, WHO nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của đại dịch gây thiệt hại đến tính mạng, tiền của đối với toàn thể loài người, đặc biệt nghiêm trọng, mỗi ngày giết chết hơn 4.000 người. Đặc biệt, đến nay tuy nhiều quốc gia đã quan tâm đến cách phòng, chống đại dịch viêm gan vi-rút, song sự lây lan đáng kể vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi-rút cao. Do đó WHO đưa ra một số khuyến cáo hết sức thiết thực: Tiêm vắc-xin phòng viêm gan vi-rút B là phương pháp có hiệu quả nhất; bảo đảm an toàn trong tiêm chích và trong truyền máu; cần phát hiện và điều trị đúng những người bị viêm gan vi-rút B và vi-rút C... Chúng ta có thể hiểu vấn đề viêm gan gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thể nhân loại không chỉ do hai loại vi-rút B và vi-rút C gây nên, ngày nay nạn lạm dụng rượu, bia đang gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người bị viêm gan dẫn đến tử vong.

Để ngăn chặn đại dịch viêm gan, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay đánh gục vi-rút bằng các nội dung cụ thể. Theo đó, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho mọi người biết được sự nguy hiểm của loại viêm gan vi-rút, cách lây truyền của chúng, cách phòng, chống, cách chăm sóc và điều trị. Cần tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, những người có nguy cơ cao như: nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc các trại cai nghiện, những người tiếp xúc với người nhiễm vi-rút viêm gan B. Cần áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để kiểm tra những người hiến máu, bảo đảm truyền máu và các sản phẩm máu an toàn tuyệt đối. Các cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám nhà nước và tư nhân) cần bảo đảm vô trùng tuyệt đối. Vận động các bà mẹ mang thai bị viêm gan vi-rút đến cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi, điều trị, để hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm sang con trong khi sinh. Mỗi năm chúng ta có hơn một triệu trẻ em được sinh ra, nếu không chăm sóc, điều trị đầy đủ cho các bà mẹ bị viêm gan vi-rút thì hậu quả sẽ có khoảng 60 nghìn trẻ bị viêm gan vi-rút. Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế cơ sở để có đủ điều kiện tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm, phát hiện người nhiễm vi-rút viêm gan, từ đó lập kế hoạch dự phòng và điều trị. Tổ chức khám, phát hiện những người đang bị viêm gan vi-rút, lập kế hoạch điều trị đầy đủ để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tuyên truyền, vận động những người lạm dụng rượu, bia đến cơ sở y tế khám bệnh, phát hiện sớm bệnh viêm gan do rượu, bia. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông về tác hại của rượu, bia vì tập quán lạm dụng quá mức rượu, bia đang trở thành quốc nạn tại nhiều quốc gia.