Mặc dù mới đang vào đầu mùa lễ hội, nhưng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã khá đông du khách về tham quan, chiêm bái. Với lượng khách du xuân đông đúc sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, nhà hàng vì lợi nhuận để nhập và sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… nhằm kinh doanh có lãi cao hơn.
Xem hình
Kiểm tra tại nhà hàng Thanh Long, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội, các ngành chức năng, các địa phương đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc nguồn thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách và thúc đẩy ngành công nghiệp không khói trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

          Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh kiểm tra một số cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng ăn uống trên địa bàn huyện Hoa Lư và Gia Viễn, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh, nhà hàng đã chấp hành tốt việc đảm bảo ATVSTP. Tại nhà hàng Thăng Long, thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư) nhận thấy khuôn viên nhà hàng, nơi chế biến thực phẩm, các đồ dùng, dụng cụ phục vụ, chế biến thực phẩm khá sạch sẽ, ngăn nắp. Người tham gia chế biến, phục vụ được trang bị bảo hộ lao động, được khám sức khỏe định kỳ và có những kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm.

          Anh Nguyễn Văn Quyết, Quản lý nhà hàng Thanh Long cho biết: “Đối với mỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vấn đề ATTP phải được đặt lên hàng đầu, đảm bảo sự sống còn, uy tín của nhà hàng. Do đó, nhà hàng Thanh Long rất chú trọng đến vấn đề lựa chọn thực phẩm, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, tươi ngon và an toàn. Theo đó, nguồn nguyên liệu được nhà hàng ký kết với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP trên địa bàn; rau xanh và các loại gia vị chế biến được chủ động một phần, còn lại mua tại hộ gia đình có nguồn gốc vệ sinh, an toàn… Với quy trình nguyên liệu đầu vào và chế biến đảm bảo ATVSTP, hơn 6 năm kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ghi nhớ, tín nhiệm. Đã có nhiều công ty du lịch, dịch vụ lữ hành ở Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh về tham quan, du lịch tại Ninh Bình đều đưa khách đến ăn uống, mua các loại thực phẩm đặc sản của Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy, gà đồi, ốc nhồi, cá rô… về làm quà.

          Theo đánh giá của đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành, qua các đợt kiểm tra và thanh tra đột xuất tại các nhà hàng, quán ăn, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có đầy đủ các thủ tục hành chính về ATTP, đáp ứng được các điều kiện về trang thiết bị, lao động tham gia chế biến thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không có các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tại hầu hết các nhà hàng, quán ăn, thực phẩm bao gói sẵn có tem nhãn đầy đủ, còn hạn sử dụng, thực phẩm sống đảm bảo tươi, sống hoặc được bảo quản trong thiết bị lạnh đủ điều kiện. Nhiều nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với nơi cung cấp thực phẩm, có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm và thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định…

          Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, một số cơ sở kinh doanh ăn uống, việc chấp hành về VSATTP chưa tốt. Vẫn còn những quán ăn, nhất là những cơ sở nhỏ, bình dân, các điều kiện về vệ sinh cơ sở như các phòng ăn, khu sơ chế, khu chế biến thức ăn, kệ trưng bày sản phẩm, tủ bảo quản thực phẩm… chưa được trang bị đầy đủ, không vệ sinh sạch sẽ. Từ đầu Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, các Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành và các Đoàn kiểm tra của các huyện, thành phố đã kiểm tra hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh vẫn còn những vi phạm về thực phẩm như để ôi thiu, bốc mùi, thực phẩm có màu thâm, đen, biến dạng. Cùng với đó là tình trạng để lẫn thực phẩm chín với sống, khu chế biến thực phẩm còn chật hẹp, nhếch nhác… Các Đoàn kiểm tra đã xử lý buộc tiêu hủy hàng trăm kg thịt dê, gà, lợn, dầu mỡ bẩn… không đảm bảo chất lượng và phạt hàng chục triệu đồng các cơ sở vi phạm. Đồng thời nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở phải nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, vi phạm, nếu không sẽ tịch thu giấy phép kinh doanh, tạm dừng hoạt động…

          Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống do Chi cục quản lý và gần 1 nghìn cơ sở do tuyến huyện quản lý. Từ đầu mùa lễ hội đến nay, thực hiện chức năng được giao, Chi cục đã phối hợp với các ngành, địa phương chú trọng triển khai công tác đảm bảo VSATTP; trong đó tập trung vào các địa phương có nhiều hoạt động du lịch, lễ hội như thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư và Gia Viễn. Theo đó, trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh, các địa phương đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết; sau Tết tập trung kiểm tra các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội, tại các đền, chùa, khu di tích, danh thắng… trên địa bàn tỉnh. Tại thời gian diễn ra các lễ hội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục duy trì Đoàn kiểm tra, giám sát phối hợp với các địa phương, Ban quản lý các khu du lịch thực hiện bảo đảm ATTP cho du khách thập phương về tham quan, du lịch tại Ninh Bình.