Hơn 14 năm qua, bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành tâm thần Phạm Văn Quyền, Trưởng khoa điều trị bệnh nhân nữ, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã dành trọn tâm huyết chăm sóc người bệnh, coi người bệnh như người thân ruột thịt.
Xem hình
Bác sĩ Phạm Văn Quyền thăm, khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Hồng Vân

Được đào tạo là bác sĩ chuyên ngành hệ nội nhi Trường Đại học Y Huế, bác sỹ Phạm Văn Quyền gắn bó với nghề y đến nay đã hơn 30 năm. Năm 2003, bác sĩ Phạm Văn Quyền đã rẽ ngang sang làm chuyên ngành tâm thần là một chuyên ngành khó, đặc biệt, có tính đặc thù cao. Bác sĩ Quyền chia sẻ: Lựa chọn chuyên ngành tâm thần áp lực công việc nặng, căng thẳng hơn các chuyên ngành khác rất nhiều do thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân không tỉnh táo, không tự chủ cho hành động của mình, thậm chí điên loạn nên la hét, nói cười vô cảm suốt đêm ngày. 

          Khi chăm sóc bệnh nhân, trong quá trình uống thuốc, họ có thể chống đối bằng cách nhổ, hoặc giấu và vứt đi; hay lúc ăn uống, thìa, muôi có thể bẻ gãy, vứt bỏ, ăn bốc. Tất cả mọi công việc từ vệ sinh cá nhân đến chăm sóc giấc ngủ cho bệnh nhân đều do cán bộ y tế thực hiện. Trong khoa có nhiều bệnh nhân còn mặc cảm rằng người nhà gửi lại viện giống như bỏ mặc, không cần đến họ, từ đó dẫn đến trạng thái tâm lý không tốt khiến họ tiêu cực, chán chường, bất cần… 

Đặc biệt trong xã hội phát triển, các thể bệnh tâm thần ngày càng gia tăng, tính chất bệnh phức tạp, người bệnh bị hạn chế về nhận thức, tư duy, thậm chí kích động và có hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh, đòi hỏi cán bộ y, bác sỹ không chỉ có chuyên môn, mà y đức phải đặt lên hàng đầu. 

          Tuy nhiên, vượt qua áp lực công việc, xuất phát từ y đức của người thầy thuốc, với tinh thần tất cả vì người bệnh, bản thân người bác sĩ phải nâng cao trách nhiệm hơn với người bệnh, coi bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình. Để làm tốt trách nhiệm của người bác sĩ với những bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Quyền luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức y học qua sách báo, tài liệu, mạng Internet, qua các diễn đàn về chuyên ngành, tham khảo những sáng kiến của đồng nghiệp trong điều trị bệnh cũng như cách sử dụng thuốc, biệt dược điều trị bệnh hiệu quả. Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần hiệu quả. Năm 2016, bác sĩ Phạm Văn Quyền đã xây dựng thành công đề tài “Nhận xét đặc điểm lâm sàng trầm cảm ở 28 bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn trầm cảm và điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Ninh Bình từ 1-10-2015 - 30-9-2016”. Đề tài đã được đánh giá cao, giúp bệnh nhân tâm thần dạng trầm cảm có hướng điều trị nhanh và hiệu quả hơn.

          Không chỉ vững về chuyên môn, bác sĩ Quyền còn là 1 trưởng khoa gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi công việc. Luôn thực hiện tốt công tác điều hành, theo dõi, giám sát cán bộ, y, bác sỹ của Khoa hoàn thành tốt công việc. 

Thường xuyên hướng dẫn, cầm tay chỉ việc các y, bác sĩ, điều dưỡng của khoa khi trực tiếp đi buồng bệnh, có tổng kết công việc hàng ngày, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng điều trị của khoa. Năm 2016, Khoa điều trị bệnh nhân nữ hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Sáng về tâm đức, sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, bác sĩ Phạm Văn Quyền nhiều năm qua được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tin tưởng, nể trọng, được Bệnh viện, Sở Y tế ghi nhận. Năm 2016, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Quyền được UBND tỉnh tặng Bằng khen.