Là địa phương có tỷ lệ trẻ mầm non và tiểu học học bán trú cao nhất tỉnh, những năm qua, để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong các trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm chú trọng đến công tác ATTP; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em, giúp các em học sinh phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực, tạo sự tin tưởng, hài lòng của phụ huynh.
Xem hình
Cô, trò Trường Mầm non Nam Thành chăm sóc vườn rau sạch của nhà trường

Với đặc thù 100% học sinh đều học tập, ăn, ở tại trường, nên ngoài việc quan tâm đến hoạt động giáo dục, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vấn đề đảm bảo ATTP được Trường Mầm non Nam Thành hết sức chú trọng. 

Cô giáo Nguyễn Thị Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Thành cho biết: Trường Mầm non Nam Thành có nhiệm vụ nuôi dưỡng và chăm sóc trên 600 cháu, được chia làm 15 nhóm lớp; tỷ lệ trẻ ăn bán trú luôn đạt 100%. Nhà trường tổ chức cho trẻ ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ, mức đóng góp là 19.000 đồng/ngày. 

Trong chế biến thực phẩm thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống và khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để đảm bảo ATTP. Nhà trường thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP của Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình. 

Thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định. Nhà trường có hồ sơ quản lý công tác VSATTP chặt chẽ; Ban giám hiệu kiểm tra, giám sát bếp ăn hàng ngày. 

Để chủ động một phần nguồn rau xanh an toàn, nhà trường ưu tiên dành trên 100m2 đất trồng rau sạch. Rau được trồng theo mùa, vừa đảm bảo xanh hóa trường học vừa có rau sạch phục vụ bữa ăn hàng ngày cho các cháu. 

Do nhà trường có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, chất lượng nuôi dưỡng trẻ của nhà trường luôn được ngành Giáo dục thành phố đánh giá cao, được nhiều trường mầm non trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. 

Hiện nay, tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về chiều cao, cân nặng đạt 93,6-98,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vừa về cân nặng còn 2,1%. So với đầu năm học 2016-2017, số trẻ suy dinh dưỡng vừa giảm 18 trẻ, số trẻ suy dinh dưỡng nặng giảm 2 trẻ, số trẻ thấp còi độ 1 giảm 7 trẻ.

Được biết, hiện trên địa bàn thành phố có gần 100 cơ sở giáo dục bậc mầm non và tiểu học tổ chức ăn bán trú tại trường với 29 bếp ăn ở điểm trường công lập bậc mầm non, tiểu học và 1 bếp ăn trường mầm non tư thục có quy mô lớn, trên 50 bếp ăn nhỏ lẻ của các cơ sở giáo dục tư thục. 

Trong đó, có khoảng 4 nghìn học sinh tiểu học ăn bán trú tại trường (đạt khoảng 40%) và gần 100% trẻ mầm non ăn bán trú tại trường. Suất ăn trung bình học sinh tại các nhà trường từ 15.000-19.000 đồng. Hàng năm, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo các trường thực hiện đúng các quy định về công tác đảm bảo ATTP trong trường học.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, các bếp ăn tập thể tại trường đều có hợp đồng nấu ăn cho học sinh với nhân viên cấp dưỡng được đào tạo chứng chỉ nghề nấu ăn. Các cơ sở tổ chức ăn bán trú đều được đánh giá là mua thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, các nhà trường luôn quan tâm thực hiện tốt quy trình, chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. 

Đặc biệt, để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trước và trong năm học, Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đều duy trì việc phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về VSATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý và phụ trách bếp ăn của các cơ sở giáo dục về các nội dung như Luật VSATTP; quy định lưu mẫu thức ăn trong các bếp ăn tập thể; quy định thực hiện “Bếp ăn 1 chiều”; cách thức quản lý các loại hồ sơ, sổ sách liên quan và công tác quản lý bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ 6 tháng/lần, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo VSATTP; tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm công tác VSATTP trường học. 

Phối hợp chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức VSATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm trong các trường học. 

Tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bếp theo quy định của Bộ Y tế. Ngành cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo công tác VSATTP tại các nhà trường 1 năm 2 lần vào cuối học kỳ và cuối năm học lồng ghép trong báo cáo công tác học sinh, ngoài ra các trường thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu...  

Do đó, nhiều năm qua, tại các trường học trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, tỷ lệ trẻ được chăm nuôi bán trú tại trường phát triển đồng đều về cân nặng và chiều cao, đảm bảo đủ sức khỏe tham gia các hoạt động học tập và rèn luyện sức khỏe.