Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong năm 2015 tình hình mưa, bão lũ sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014. Đặc biệt ngay đầu tháng 4 đã xuất hiện cơn bão Maysak với sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 13 và theo dự báo sẽ đi vào khu vực biển Đông của nước ta. Để bảo đảm ATTP, phòng chống dịch dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai một số biện pháp bảo đảm ATTP phòng chống bão lũ.
Xem hình
Ảnh minh họa

Theo dõi sát diễn biến của bão Maysak; chủ động xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực để triển khai công tác bảo đảm ATTP khi có ảnh hưởng của bão tới địa phương.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chọn lựa, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn với sự tham gia cao nhất của mọi lực lượng trong cộng đồng. Tập trung tuyên truyền để cộng đồng phối hợp thực hiện:

a) Thực hiện vệ sinh ăn uống: "ăn chín, uống chín”, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống; rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi vệ sinh; nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng; dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch và nhúng nước sôi trước khi ăn;

b) Bảo quản tốt lương thực, thực phẩm tránh ẩm, mốc, mối mọt và ngập nước; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập.

c) Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau; thu gom rác thải, xác động vật chết, chôn lấp theo quy định, nạo vét, khơi thông cống rãnh bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở địa phương, nhất là các thực phẩm thiết yếu, phổ biến, có nguy cơ cao ảnh hưởng do bão lụt. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không bảo đảm ATTP để xử lý kịp thời. Chỉ đạo tuyệt đối không dùng phân tươi để bón, tưới rau, củ quả.

Chủ động xây dựng kết hoạch, tổ chức tốt việc bảo đảm, xử lý nước ăn uống, sinh hoạt trong tình huống đang ngập lụt và sau lũ lụt bằng các biện pháp lắng lọc, khử trùng bằng chloramin T hoặc B và xử lý bằng biện pháp đun sôi trước khi uống theo hướng dẫn của y tế địa phương.

Giám sát phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức cấp cứu và điều trị kịp thời không để diễn biến xấu xảy ra; tiến hành điều tra dịch tễ học theo quy định, xác định phương thức lây truyền, thức ăn, nguyên nhân gây bệnh để tiên lượng, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

 

Tác giả: TTGDSK (nguồn VFA)