Tổ chức Đột qụy Thế giới (WSO) khuyến cáo, những liệu pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột qụy khởi phát.

90% người bị đột qụy não mang di chứng nặng nề

Theo báo cáo năm 2016 của WSO, hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu ca tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ. Đột quỵ đứng hàng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong (sau tim mạch, ung thư) và đứng thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật ở người.

          PGS.TS. Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhờ các phương pháp can thiệp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong những giờ đầu, tỉ lệ tử vong do đột quỵ cho tới nay đã giảm đáng kể so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, liệt toàn thân, rối loạn nuốt, viêm tắc mạch máu, viêm phổi do hít phải thức ăn đồ uống, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè... Trong số đó, chỉ 25 - 30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20 - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Do đó, điều quan trọng không chỉ là can thiệp cứu sống người bệnh mà bắt buộc phải phục hồi chức năng để cải thiện di chứng, giúp người bệnh hoà nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phục hồi chức năng bao gồm mọi hoạt động sinh hoạt, vận động cơ thể, tâm trí và ngôn ngữ. WSO khuyến cáo, những liệu pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát. Hiệu quả của việc điều trị phục hồi chức năng tuỳ thuộc nhiều yếu tố: độ tuổi, mức độ, vị trí cũng như sự liên tục. Quá trình phục hồi vận động xảy ra phần lớn trong 3 - 6 tháng đầu và có thể tiếp tục cho đến 2 năm hoặc hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng.

          Một số bài tập phục hồi chức năng thần kinh cơ bản

          1. Bài tập tư thế nằm ngửa

-    Người chăm sóc đứng ở phía bên lành của bệnh nhân, một tay đặt dưới hõm kheo tay còn lại nắm lấy bàn chân của bệnh nhân.

-    Người chăm sóc tác động một lực hướng xuống giường và sử dụng một tay để đỡ lấy xương chậu của bệnh nhân và nâng lên nhẹ nhàng, tay còn lại đặt một cái gối phía dưới chân liệt.

-    Duỗi thẳng chân liệt và đặt lên gối dày.

-    Đầu gối hơi gập trong suốt quá trình thực hiện và đặt gót chân hở ra.

-    Gập nhẹ nhàng tay liệt của bệnh nhân ở phía trước ngực. Người chăm sóc nâng nhẹ vai bên liệt bằng cách đỡ tay ở phía dưới bả vai và đặt vai lên một cái gối ở vị trí nằm dọc.

-    Đặt tay của bệnh nhân lên một cái gối sao cho bàn tay ở vị trí cao hơn vai. Cuối cùng, đặt bàn tay vào vị trí chức năng trên một cuộn khăn tắm, cổ tay ở tư thế duỗi và các ngón tay hơi gập lại.

2. Bài tập tư thế nằm nghiêng sang bên bị liệt

-    Người chăm sóc đứng bên liệt, đặt một chiếc gối lớn bệnh cạnh chân liệt.

-    Để nâng vai lên, người chăm sóc dùng tay giữ bả vai bên lành của bệnh nhân và kéo về phía trước. Chân lành của bệnh nhân đặt ở tư thế ổn định trên giường.

-    Cuối cùng, người chăm sóc lăn ng­hiêng bệnh nhân về bên liệt bằng cách kéo xương bả vai và xương chậu sang một bên. Lúc này, xương bả vai được đưa về phía trước nên bệnh nhân không nằm tỳ trực tiếp lên khớp vai.

-    Trong khi nằm nghiêng, chân lành được đặt lên trên gối trong thư thế gấp, phía sau lưng được kê bằng một chiếc gối khác. Bây giờ chân liệt được duỗi thẳng và gối hơi gấp nhẹ.

-    Đặt tay bệnh nhân lên chiếc gối sao cho bàn tay ở mức cao hơn khuỷu và ở tư thế chức năng.

3. Bài tập cầm nắm an toàn

-    Người bệnh tự dùng tay lành nắm lấy cổ bàn tay liệt.

-    Ngón tay cái của bàn tay lành đặt trong lòng bàn tay liệt. Điều này giúp ổn định cổ tay.

4. Bài tập ngồi dậy từ bên liệt

-    Giường nên được đặt ở độ cao để khi bệnh nhân ngồi lên có thể đặt chân lên sàn nhà. Bệnh nhân dùng tay lành nắm lấy tay liệt của mình, người chăm sóc đứng bên liệt.

-    Hai chân được gập lại Người bệnh tự nâng và gập chân lành, người chăm sóc hỗ trự bên liệt.

-    Tay người chăm sóc đặt lên chỗ xương bả vai và xương chậu.

-    Người chăm sóc xoay người bệnh sang bên liệt. Tay lành của bệnh nhân buông tay liệt ra và chống xuống giường đê ngồi dậy.

-    Bệnh nhân dùng tay lành từ từ đẩy thân mình về tư thế ngồi thẳng.

          - Ngay sau khi bệnh nhân ngồi lên lập tức người chăm sóc giúp bệnh nhân lây cân bằng với bên liệt để tư thế ngồi cảm thấy an toàn.

          5. Bài tập tập bước đi

-    Người bệnh bắt đầu với bên lành ở phía cạnh tường hoặc giường. Người chăm sóc trợ giúp người bệnh bằng cách giữ gối khi chân liệt làm trụ và ở khoeo khi chân liệt bước lên, tay còn lại đỡ ở vùng khung chậu.

-    Người bệnh đứng thẳng chân trụ, chuẩn bị bước đi bước đầu tiên. Người bệnh đưa tay lành bám vào thành giường lên trước. Người chăm sóc đỡ gối khi người bệnh chuyển trọng lượng sang bên lành và cố định chân liệt khi người bệnh bước lên phía trước. Cần quan sát nhịp của chuyển động.

Tác giả: TT - GDSK