Viêm loét dạ dày-tá tràng là bệnh tiêu hóa thường gặp, chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số. Chiếm 5-10% dân số thế giới. Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu khác nhau ghi nhận tỷ lệ loét từ 4-8% dân số. Bệnh có thể diễn tiến trong một thời gian dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều trị đúng mang lại hiệu quả cao.
Xem hình

Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng là tổn thương gây khuyết lớp niêm mạc dạ dày-tá tràng với độ sâu ít nhất là đến lớp dưới niêm mạc và là hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố gây loét (acid clohydric, pepsin, xoắn khuẩn Helicobacter pylori,.. ) và các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày (chất nhày, bicarbonat, prostaglandin,…).

Nguyên nhân

Loét dạ dày-tá tràng có liên quan nhiễm trùng

- Nhiễm Helicobacter pylori (gọi tắt là H.pylori hay Hp): khoảng 95% người loét tá tràng và 70-80% người loét dạ dày mang vi khuẩn H.pylori. Tiệt trừ H.pylori sẽ làm ổ loét lành nhanh và giảm tỷ lệ tái phát.

- Nhiễm Helicobacter heilmannii

- Nhiễm virus như: CMV, herpes virus,..

Loét dạ dày-tá tràng không liên quan nhiễm trùng

- Do stress, yếu tố tâm lý: loét thường xảy ra ở ngườì có nhiều sang chấn tình cảm, căng thẳng tinh thần nghiêm trọng như trong chiến tranh, biến động gia đình, xã hội,…

- Do hóa chất: chất ăn mòn, NSAID, aspirin, rượu, coticosteroid, acid mật, urê huyết cao…., trong đó cần lưu ý:

+ Aspirin: gây loét và xuất huyết, gặp ở dạ dày nhiều hơn tá tràng, do tác dụng tại chỗ và toàn thân: pH acide của dạ dày làm cho aspirin không phân ly và hòa tan được với mỡ, xuyên qua lớp nhầy và ăn mòn niêm mạc gây loét. Đồng thời, Aspirin ức chế Prostaglandin cản trở sự đổi mới tế bào niêm mạc và ức chế sự sản xuất chất nhầy ở dạ dày và tá tràng.

+ Kháng viêm nonsteroide (NSAID): gây loét và xuất huyết tương tự như Aspirin nhưng tính acid yếu hơn nên không gây ăn mòn tại chỗ.

+ Corticoide: không gây loét trực tiếp, chỉ ngăn chặn sự tổng hợp Prostaglandin nên chỉ làm bộc phát lại các ổ loét cũ, hoặc ở người có sẵn nguy cơ loét.

- Do bất thường nội tiết: như tăng tiết acetylcholin gây co thắt cơ trơn dạ dày, gây thiếu dinh dưỡng và làm giảm sức đề kháng của niêm mạc dạ dày tạo điều kiện phát sinh vết loét; Tăng tiết ACTH, cortisol gây tăng tiết HCl và pepsin, giảm tiết chất nhầy; Hiện tượng tăng tiết dịch vị khi đường máu hạ có thể do tuyến tụy tăng cường hoạt động trong ung thư tuyến tụy; Hội chứng Zollinger-Ellison…. Ngoài ra, các rối loạn nội tiết khác có thể gây loét như trong xơ gan, rối loạn tuyến sinh dục, tuyến giáp, tuyến cận giáp,…

- Di truyền: loét tá tràng có tần suất cao ở một số gia đình, loét xảy ra ở những cặp sinh đôi đồng noãn nhiều hơn dị noãn.

- Rối loạn vận động: liên quan sự làm trống dạ dày, trào ngược của tá tràng-dạ dày. Trong loét tá tràng có sự làm trống dạ dày quá nhanh làm tăng lượng acid tới tá tràng. Ngược lại, trong loét dạ dày sự làm trống dạ dày quá chậm, gây ứ trệ acide ở dạ dày.

- Yếu tố môi trường:

Thói quen về ăn uống: người Bắc Ấn ăn nhiều lúa mì nên tỷ lệ loét ít hơn người Nam Ấn ăn toàn gạo. Caféine và calcium là những chất gây tiết acide; rượu gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Chế độ ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, nhiều gia vị; ăn nhiều chất béo; chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài: ăn vội vàng, nhai không kỹ; rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên: ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu.

Thuốc lá: loét dạ dày tá tràng thường gặp ở người hút thuốc lá. Thuốc lá cũng làm xuất hiện các ổ loét mới và làm chậm sự lành sẹo hoăc gây đề kháng với điều trị do ức chế yếu tố tăng trưởng của niêm mạc dạ dày tá tràng.

Biểu hiện bệnh

Bệnh thường đau ở thượng vị, ngoài ra có thể đau các vị trí bất thường khác như đau sát cơ hoành lan lên trên: tổn thương ở tâm vị (cần phân biệt với bệnh lý tim mạch); Đau sau lưng lan lên trên: tổn thương mặt sau dạ dày tá tràng (cần phân biệt với bệnh lý thận, cột sống); Đau hạ sườn trái: tổn thương ở bờ cong lớn (cần phân biệt với bệnh lý tụy),...

Triệu chứng khác:

- Rối loạn tiêu hóa: ăn không tiêu, ợ hơi, ợ chua, ăn kém,

- Sụt cân…

- Có thể có hội chứng nhiễm trùng.

Những biến chứng thường gặp

Xuất huyết tiêu hóa: thường gặp, 15-20% bệnh nhân loét có một hoặc nhiều lần xuất huyết; loét tá tràng dễ xuất huyết hơn loét dạ dày, người già dễ xuất huyết hơn người trẻ. Chẩn đoán dựa vào nội soi

Thủng: loét ăn sâu vào thành dạ dày hay tá tràng có thể gây thủng. Loét mặt trước hoặc bờ cong nhỏ thủng vào khoang phúc mạc lớn, loét mặt sau thủng vào cơ quan kế cận hoặc hậu cung mạc nối.

Loét xuyên thấu dính vào cơ quan kế cận: thường là tụy, mạc nối nhỏ, đường mật, gan, mạc nối lớn, mạc treo đại tràng, đại tràng ngang thường gặp là loét mặt sau hoặc loét bờ cong lớn. Các loét này thường đau dữ dội ít đáp ứng với điều trị, loét xuyên vào tụy thường đau ra sau lưng hoặc biểu hiện viêm tụy cấp, loét thủng vào đường mật: chụp đường mật hoặc siêu âm thấy có hơi trong đường mật

Hẹp môn vị: thường gặp khi ổ loét nằm gần môn vị.

Loét ung thư hóa: viêm mạn tính hang vị thể teo thường dễ ung thư hóa (30 %).

Chẩn đoán bệnh

Các trường hợp cần làm xét nghiệm chẩn đoán Hp như:

• Bệnh lý dạ dày-tá tràng, rối loạn tiêu hoá, u MALT;

• Có tiền căn viêm loét dạ dày-tá tràng;

• Trào ngược dạ dày-thực quản;

• Cần điều trị Aspirin dài ngày;

• Khi bắt đầu điều trị NSAIDs hay cần điều trị NSAIDs dài hạn;

• Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân;

• Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn;

• Sau phẫu thuật ung thư dạ dày;

• Có cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày;

• Bệnh nhân muốn được chẩn đoán và điều trị sau khi đã được tư vấn.

Để chẩn đoán bệnh, người bệnh cần thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng sau:

- Thông qua nội soi dạ dày-tá tràng và sinh thiết.

- Xét nghiệm mô bệnh học, cấy vi khuẩn mẫu sinh thiết niêm mạc dạ dày.

- Xét nghiệm dịch vị, chất nôn: tìm vi trùng, độc chất ...

- Xét nghiệm máu : tìm kháng thể kháng Hp.

- Xét nghiệm hơi thở : gọi là test hơi thở Ure, đánh giá tình trạng nhiễm Hp.

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán biến chứng.

Hiện nay, mục tiêu điều trị là giảm nhanh và lâu dài các triệu chứng; bảo vệ và kích thích tái sinh niêm mạc, làm lành ổ loét; loại trừ các nguyên nhân gây loét và điều trị biến chứng.

Phòng ngừa

- Cần tránh dùng thức ăn gây tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng: Rượu bia, thuốc lá, thức ăn có nhiều gia vị chua cay.

- Tránh hoạt hóa acid mật: giảm ăn chất béo.

- Tạo môi trường đệm trong dạ dày: Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa không nên ăn quá no, ăn nhẹ, ăn lỏng, bữa ăn cuối cách giờ đi ngủ từ 3-4 giờ, không ăn quá khuya.

- Ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày: sữa, nước cháo, sữa đậu nành, bột ngó sen, đậu phụ, bí xanh, khoai tây, thịt nạc, cá ….

- Khi chế biến thực phẩm nên thái nhỏ, nấu kỹ cho mềm. Chủ yếu ăn đồ hấp, luộc, ninh.

- Hạn chế sử dụng các loại nước giải khát có ga.

- Hạn chế những thức ăn hay đồ uống quá lạnh hoặc quá nóng.

- Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm…Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.

- Tránh suy nghĩ căng thẳng, stress.

- Sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.

Khuyến cáo cần khám và điều trị chuyên khoa tiêu hóa khi có những triệu chứng nghi ngờ, kéo dài, triệu chứng báo động,…

TTGDSK


Tác giả: TT TTGDSK