Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 đến ngày 10/12/2024) và kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm ban hành Kế hoạch và hướng dẫn các Bộ, ngành, đoàn thể và các tính, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2024) nhằm mục tiêu:
Tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Theo đó, năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Khẩu hiệu của Tháng hành động
1. Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
2. Tuổi trẻ chung vai - Vì tương lai không còn dịch bệnh AIDS!
3. Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
4. Chung sức, đồng lòng - Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
5. Giữ vững cam kết - Quyết tâm ngăn chặn AIDS!
6. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để không ai bị bỏ lại phía sau!
7. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
8. Xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng!
9. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
10. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần!
11. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
12. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời!
13. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
14. Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su!
15. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
16. Methadone – Liều thuốc vàng cho người lệ thuộc các chất ma túy dạng thuốc phiện!
17. PrEP – Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn!
18. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
19. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2024!
20. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024!
Diệu Thúy