Hiện nay, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đang là vấn đề sức khỏe nhiều người quan tâm do số vụ và số người bị NĐTP có xu hướng gia tăng và đây là vấn dề có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống và các tập quán sinh hoạt của người dân.

NĐTP thường do các nguyên nhân chủ yếu sau: NĐTP do thực phẩm bị nhiễm HCBVTV và các chất độc hại; do bản thân thực phẩm có chứa các chất độc như nấm độc, cá nóc; do thực phẩm bị nhiễm các VSV gây bệnh trong đó có tụ cầu khuẩn.

            Tụ cầu khuẩn thường tồn tại ngoài môi trường, trong không khí, đất nước, trên da lành đặc biệt là các vết thương trên da, các mụn nhọt, trứng cá, dịch tiết mũi họng. Vi khuẩn cũng thường xuất hiện và gây bệnh từ thực phẩm bị ô nhiễm nhất là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ sữa, thịt cá nhất là tiết canh.

            Người bị ngộ độc do tụ cầu khuẩn là do ăn phải thức ăn đã bị nhiễm tụ cầu. Đặc biệt là thức ăn đã tiếp xúc với tay của người chế biến hoặc thức ăn không được nấu chín. Sau khi xâm nhập thực phẩm, tụ cầu phát triển và nhân lên sinh ra độc tố và đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc.

            Đặc điểm của bệnh: Ngộ độc thức ăn do tụ cầu khuẩn là do nhiễm độc tố do tụ cầu khuẩn được tiết ra trong quá trình nhân lên của tụ cầu ở các thực phẩm bị ô nhiễm. Độc tố này có đặc điểm là bền vững ở nhiệt độ cao. Vì vậy kể cả khi chúng ta có đun nấu ký thức ăn thì độc tố cũng không bị phá hủy và vẫn có khả năng gây bệnh cho người.

            Sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc tố của tụ cầu từ 30 phút đến 8 giờ (thường là từ 2 - 4 giờ), người bệnh xuất hiện các triệu chứng: Buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần phẩn lỏng, người mệt mỏi. Trong trường hợp nặng người bệnh có thể bị hạ nhiệt độ và huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

            Các biện pháp phòng bệnh: NĐTP do tụ cầu có thể phòng được nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp dự phòng sau:

            1. Thực hiện tốt các quy định về VSATTP, ăn chín, uống sôi, làm tốt vệ sinh cá nhân nhất là phải rửa tay trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

            2. Không nên để thực phẩm quá 4 giờ ở nhiệt độ môi trường trước khi chế biến.     3. Những người bị bỏng, mụn nhọt và các tổn thương nhiễm trùng khác ở da, nhất là tay và mặt: không được chế biến thức ăn cho đến khi điều trị khỏi bệnh.

            4. Khi phát hiện ca bệnh phải niêm phong các thức ăn nghi ngờ để phục vụ công tác điều tra xác định nguyên nhân. Cách li và điều trị kịp thời người bệnh. Triển khai các biện pháp sát trùng, tẩy uế nơi đã xảy ra ngộ độc.

Bs. Phạm Ngọc Cương - TTTTGDSK