Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn là bệnh hay gặp và rất phổ biến ở Việt Nam. Người bị bệnh do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn có trong thức ăn gây nên. Ngộ độc thức ăn còn có thể do hóa chất hoặc các chất phóng xạ, nấm, ký sinh trùng… nhưng chúng tôi không đề cập trong bài viết này mà chỉ đưa ra những ngộ độc thức ăn do các vi khuẩn hay gặp nhất.
Xem hình
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng người mắc lớn đã giảm đi đáng kể tuy nhiên các vụ nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm đối với các cá nhân, gia đình nhỏ lẻ vẫn thường xuyên xảy ra. Vì rất nhiều lý do như những người chế biến nấu nướng không đảm bảo vệ sinh, có thể do ẩu hoặc thiếu các kiến thức về vệ sinh thực phẩm. Khâu quản lý chế biến, giết mổ gia súc gia cầm chưa được tốt. Ý thức ăn uống của người ăn chưa cao còn đi ăn hàng quán nhiều, có những quán ăn lụp xụp hoặc ở vỉa hè cạnh ngay cống nước thải lộ thiên rất mất vệ sinh, không rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, tất cả những việc đó đã góp phần làm gia tăng các trường hợp ngộ độc thức ăn do vi khuẩn và độc tố vi khuẩn.

 Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella: Bệnh rất phổ biến trên thế giới, Salmonella là trực khuẩn gram(-) có sức đề kháng tốt tồn tại ngoại cảnh lâu từ vài tuần đến vài tháng, trong thực phẩm đông lạnh tồn tại được 2-3 tháng.

Đường lây chủ yếu bằng đường tiêu hóa như ăn thịt có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm Salmonella (thịt sống tái, sữa trứng, hải sản..) khi chế biến. Khi dùng rau sống, hoa quả, nước uống bị nhiễm phân người và súc vật.

Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh, những người bị cắt dạ dày thì mắc nhiều hơn, những người bị suy giảm miễn dịch dễ bị mắc và nặng hơn.

Bệnh do 3 yếu tố quyết định là: Môi trường - Vi khuẩn - Đề kháng của cơ thể.

Biểu hiện bệnh: Thường thể viêm dạ dày – viêm ruột cấp là chủ yếu hay gặp nhất, thời kỳ ủ bệnh từ 12- 36 giờ.

Sau khi ăn xuất hiện các triệu chứng: Nếu nhẹ thì không sốt chỉ bị đi ngoài vài lần, bụng hơi đau. Nếu thể vừa và nặng có biểu hiện sốt 38-400C, có rét run, đau đầu mệt mỏi, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân thối nhiều nước như tháo rạ. Trong phân có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hoặc lẫn chất nhầy, máu giống như bệnh lỵ, nếu đi ngoài nhiều lần thì có dấu hiện mất nước làm cho người bệnh thấy khát nươc, môi khô, mắt trũng, gầy sút, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, thiểu niệu, vô niệu, bụng chướng chân tay lạnh, số lượng bạch cầu bình thường.

Có thể chẩn đoán phân biệt với ngộ độc thức ăn do tụ cầu, ỉa chảy do virut ở trẻ nhỏ, tiêu chảy do tả, lỵ…

 Điều trị: Nếu nhẹ thì không cần dùng kháng sinh chỉ cần uống Orezon, cân bằng nước và điện giải (đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già), hạ sốt, an thần. Nếu vừa và nặng phải đưa đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh: Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn. Chọn thực phẩm tươi sạch, chế biến, nấu nướng và ăn uống hợp vệ sinh. Đối với người làm trong các xưởng chế biến thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm người lành mang trùng khi phát hiện được mầm bệnh thì cho tạm nghỉ việc để điều trị triệt để sau mới được làm trở lại.

Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn do tụ cầu:

Nhiễm khuẩn nhiễm độc do tụ cầu là do ăn phải thức ăn nhiễm ngoại độc tố ruột của tụ cầu. Biểu hiện bệnh chủ yếu là nôn, tiêu chảy, đau bụng, hầu như không sốt, diễn biến nhanh, mau lành bệnh.

Khi bị viêm họng, viêm mủ ở chân tay, khi chế biến thức ăn tụ cầu nhiễm vào thức ăn sau 4-5 giờ vi khuẩn sinh ngoại độc tố ruột. Ngoại độc tố này không bị dịch vị và men tiêu hóa phá hủy, chúng nhanh chóng thấm qua niêm mạc dạ dày, ruột, vào máu tác động lên thần kinh thực vật làm cường phó giao cảm, gây tăng co bóp dạ dày, ruột dẫn đến đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy lỏng, có thể bị trụy tim mạch.

 Triệu chứng lâm sàng: Thời kỳ ủ bệnh ngắn từ 30 phút đến 6 giờ, khởi bệnh đột ngột đau bụng dữ dội và nôn nhiều thường xuất hiện sớm trước khi đi tiêu chảy, cũng có nhiều trường hợp không bị tiêu chảy, không sốt hoặc sốt rất nhẹ. Nhức đầu mệt mỏi vã mồ hôi nhiều. Nặng có thể mất nước nhiều dẫn đến trụy tim mạch thường gặp ở trẻ nhỏ và người già yếu, người có miễn dịch kém.

Cần chẩn đoán phân biệt với viêm ruột thừa cấp, thủng dạ dày, viêm đường ruột cấp, nhiễm khuẩn nhiễm độc do Salmonella, tả; ngộ độc các hóa chất phun lên rau quả..

Điều trị: Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị các triệu chứng như bù nước và điện giải, hạ sốt, trợ tim mạch.

 Phòng bệnh: Bảo quản tốt các thức ăn đang chế biến, quản lý tốt người lành mang trùng, người bị viêm xoang, mũi họng, chân tay bị viêm nhiễm không cho tham gia chế biến thức ăn.

 Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn do Clostridium Perfringens:

Clostridium Perfringens là trực khuẩn Gram (+), sống yếm khí, có nha bào, có nhiều trong đất, phân người và gia súc sống cộng sinh trong ruột, khi thực phẩm bị ô nhiễm nấu không chín hay đồ hộp đóng và bảo quản không vô trùng sẽ gây bệnh cho người dưới hai bệnh cảnh chính là:

Nhiễm khuẩn nhiễm độc giống như bệnh cảnh của tụ cầu (đôi khi phân như nước vo gạo giống như tả).

Viêm tiểu tràng xuất huyết hoại tử với biểu hiện đau bụng dữ dội, bụng chướng, ỉa chảy nhiều lần, phân toàn máu, tình trạng nhiễm độc nặng.

 Điều trị: Chủ yếu điều trị các triệu chứng như điều trị của tụ cầu. Với thể nhiễm khuẩn huyết thì dùng kháng sinh phối hợp với một chất có tác dụng ức chế men chuyển Betalactamase, bồi phụ nước và điện giải, dinh dưỡng đầy đủ và chăm sóc tốt.

 Nhiễm khuẩn, nhiễm độc thịt hộp do Clostridium Botulinum:

Nhiễm khuẩn nhiễm độc thịt hộp do Clostridium Botulinum, bệnh thường có biểu hiện sốt nặng sau khi ăn đồ hộp thịt, cá, các thức ăn nguội, là nhiễm ngoại độc tố Clostridium Botulinum. Độc tố này không bền vững với nhiệt, bị phá hủy ở 1000C trong vòng 10 phút, độc tố có độc lực rất mạnh gây tử vong cao.

 Biểu hiện bệnh: Khi thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố có thời gian ủ bệnh từ 5 giờ đến 5 ngày, khởi phát có dấu hiệu tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, giảm tiết nước bọt, nước mắt, khó nói, khó nuốt vì giảm hoặc mất trương lực cơ thực quản, nhìn mờ, nhìn đôi, đồng tử dãn, bụng chướng, táo bón, mệt nhọc, da khô, có thể liệt các cơ ngoại vi đối xứng, nặng hơn sẽ bị liệt cơ hô hấp dễ dẫn đến tử vong.

 Điều trị: Rửa dạ dày, rửa ruột để loại trừ độc tố còn lại. Có thể dùng huyết thanh kháng độc tố Botulin hỗn hợp. Dùng kháng sinh đề phòng chống bội nhiễm, bù nước và điện giải. Mở khí quản nếu có biểu hiện cơ hô hấp, cho ăn qua sông nếu không nuốt được. Chăm sóc tốt và chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

 Phòng bệnh: Không ăn các đồ hộp quá hạn sử dụng, đồ hộp có hiện tượng bị phồng, hở, thức ăn để nguội quá trên 2 giờ

Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn do các nguyên nhân khác:

Ngoài các nguyên nhân thường gặp trên, người ta còn thấy một số nhiễm khuẩn nhiễm độc khác như E.coli. Bacillies cereus….

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK