Mùa hè năm nay diễn biến bất thường. Mới vào đầu mùa mà nhiệt độ đã lên cao trên 400C thậm chí có nơi tới 450C. Do thời tiết nắng nóng nhiều nên nhiệt độ môi trường tăng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người nhất là trẻ em và người cao tuổi.

Khí hậu mùa hè là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật phát triển và các bệnh say nắng, cảm mạo, đường ruột, nhiễm khuẩn, viêm da và kể cả bệnh không lây nhiễm như tim mạch, rối loạn chuyển hoá đều tăng lên. Bệnh tật mùa hè gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người cao tuổi và trẻ em thường dễ mắc bệnh hơn bởi lẽ những đối tượng này sức đề kháng chưa đầy đủ (trẻ em) hoặc bị suy giảm (người già).

Một số bệnh dễ tấn công trẻ em và người cao tuổi trong mùa hè nóng phải kể đến bệnh tiêu chảy là một trong các bệnh dễ gặp nhất. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bị tiêu chảy. Có thể do chế độ ăn uống không ổn định như các mùa khác hoặc do vệ sinh thực phẩm chưa tốt (đi du lịch, ăn uống tại nhà hàng, thực phẩm mùa hè dễ ôi thiu, nước đá, kem, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh). Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy thường do vi khuẩn tả, E.Coli, thương hàn, lỵ... Song song với bệnh tiêu chảy là bệnh viêm phổi cấp tính mà hay gặp là do vi rút. Bệnh diễn biến rầm rộ và rất nguy hiểm vì hiện nay chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút mà hoàn toàn trông chờ vào sức đề kháng của cơ thể mà thôi. Hai bệnh cũng thường gặp cho trẻ em vào mùa hè là viêm màng não mủ do não mô cầu và viêm não Nhật Bản B. Hai bệnh này rất dễ lây lan thành dịch, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng về trí tuệ của trẻ. đặc biệt bệnh viêm não Nhật Bản B do vi rút gây nên, muốn truyền bệnh cho người phải nhờ đên muỗi Culex truyền qua vật chủ trung gian thường hay gặp là loài chim tu hú, xuất hiện vào mùa có quả vải. Do vậy, trước kia do không hiểu nhiều người cho rằng ăn quả vải dễ bị viêm não vì mùa này bệnh xuất hiện nhiều hơn. Sốt xuất huyết cũng dễ xảy ra vào mùa hè vì cũng được truyền qua loại muỗi vằn (Aedes Aegypti) Muỗi này hoạt động nhiều vào sáng sớm và chạng vạng tối, đặc biệt những nơi có các vũng nước tù đọng, muỗi đẻ trứng nở ra bọ gậy (lăng quăng), phát triển rất nhanh thành muỗi trưởng thành và truyền bệnh.

Một số bệnh không lây nhiễm cũng dễ dàng tấn công sức khoẻ cho các đối tượng người già và trẻ em. Trẻ dưới 4 tuổi vốn nhạy cảm với thời tiết đặc biệt khi nhiệt độ tăng cao và có sự chênh lệch thay đổi nhiệt độ đột ngột. Người trên 65 tuổi, những người thừa cân, người có bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, trầm cảm suy nhược thần kinh, mất ngủ thì cơ thể phản ứng chậm với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường dẫn đến bệnh đang tiềm tàng thì sinh bệnh, bệnh đang ổn định thì diễn biến nặng lên.

Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để phòng tránh và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời các bệnh trên cho trẻ nhỏ và người cao tuổi bằng cách tạo chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý; ăn uống thích hợp, điều độ và hợp vệ sinh; thường xuyên rèn luyện thể dục; thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; có thể sử dụng các vị thuốc nam sẵn có quanh ta để chữa trị một số bệnh thông thường trong mùa hè.

Đối với trẻ nhỏ: Không nên xáo trộn chế độ ăn quá mức (chế độ ăn ở trường học và ở nhà). Đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; không sử dụng thức ăn từ hôm trước; không cho trẻ uống nước chưa đun sôi; không ăn quả cả vỏ khi chưa khử khuẩn; không cho trẻ chơi ngoài nắng vào buổi trưa và chiều; đi ngủ phải nằm màn cả khi ban ngày; không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ ngủ; không để nhiệt độ điều hoà cho trẻ dưới 27 độ C. Khi trẻ có mồ hôi ướt quần áo phải thay cho trẻ ngay; cần tiêm đầy đủ các loại vác xin cho trẻ như Lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan, viêm não, tả, lỵ thương hàn.... Không cho trẻ đi tắm sông ao hồ mà không có giám sát của người lớn. Thu dọn các nơi tù đọng nước và diệt muỗi, bọ gậy quanh khu ở và làm việc.

Đối với người cao tuổi: Nên giữ chế độ ăn từ 3-4 bữa/ngày; khoảng cách giữa các bữa đều nhau và ăn đúng giờ, đặc biệt người mắc bệnh tiểu đường càng cần ăn bữa phụ 9h sáng, 4h chiều và 9h tối vì bữa chính ăn hạn chế. Thức ăn không quá cầu kỳ; cần thực hiện 3 giảm 1 tăng đó là giảm mỡ, giảm đường, giảm muối và tăng xơ (rau, hoa quả). Hạn chế ăn các loại thịt màu đỏ (trâu, dê, ngựa, chó) và các loại thực phẩm như thịt hun khói, xào, rán, chiên, nướng, lạp xường, xúc xích, thịt hộp, lòng đỏ trứng... Hạn chế dùng gia vị, mù tạt. Nên ăn cá từ 2-3 lần trong tuần. Nên uống từ 100-120 ml sữa/ngày (trừ sữa đặc có đường) vì trong sữa có lượng đạm, đường, mỡ, muối khoáng vừa đủ cho người già đặc biệt bổ xung can xi chống loãng xương. Người cao tuổi nên uống mỗi ngày khoảng 1-1,5 lít nước; không nên uống nhiều bia, rượu; không nên uống cà phê, chè khô vào buổi tối. Nên tập thể dục hàng ngày đều đặn; nhưng chú ý tuỳ theo sức khoẻ để lựa chọn phương pháp tập cho phù hợp; không tập quá sức; thông dụng và dễ thực hiện nhất là đi bộ hàng ngày. Mỗi ngày đi khoảng 60 phút; tốc độ đi và số lần tuỳ thuộc vào sức khoẻ và độ tuổi, thông thường tốc độ từ 4-5 km/giờ là vừa; Những ngày mưa, thời tiết thất thường nên tập thể dục trong nhà; cần đi khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng đến 12 tháng/lần hoặc thấy triệu chứng bất thường; chỉ dùng thuốc khi có hướng dẫn của thầy thuốc.

Một số vị thuốc nam có sẵn, có thể sử dụng để chữa trị các bệnh thông thường:

Gừng sống: có tác dụng tán hàn, giải biểu, ôn trung, làm hết nôn, cầm đi lỏng, giải độc, chữa chóng mặt hoa mắt do huyết áp thấp.

Kinh giới: tính bình vào kinh phế, có tác dụng giải biểu, khu phong, chỉ huyết; chữa cảm mạo, phong hàn không có mồ hôi.

Bạc hà: Sơ phong, thanh nhiệt, tán phong nhiệt ở thượng tiêu; ở hầu họng, mắt. Chữa ngoại cảm phong nhiệt, họng đau, đau đầu, mắt đỏ, phong mẩn ngứa.

Tía tô: phát tán phong hàn, hành khí, an thai, giải độc; chữa ngoại cảm phong hàn, khí trệ ở tỳ vị; chữa đau bụng nôn mửa, dị ứng do ăn tôm cua cá.

Cuối cùng, xin nêu những điều không nên làm khi thời tiết nắng nóng: Không nên ăn đồ ăn ngoài đường; không nên ở lâu trong phòng điều hoà có nhiệt độ thấp; không nên làm việc nhiều; không nên chơi thể thao quá sức./.

                                                  BS. Vũ Văn Cẩn - Sở Y tế Ninh Bình