Trong y học cổ truyền, đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp tính) là một bệnh thường gặp do dịch độc, nhiệt độc của thời tiết xâm nhập vào mắt gây nên. Có rất nhiều phương pháp để phòng chống căn bệnh này như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…và sử dụng các món ăn - bài thuốc. Xin giới thiệu một số bài thuốc để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Bài 1: Thịt lợn nạc 50g, giao bạch 3 củ, vỏ dưa hấu 30g, trứng gà 2 quả, đạm trúc diệp 10g, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch thái chỉ, giao bạch bỏ vỏ và đầu rửa sạch thái chỉ, trứng gà đập vào bát đánh đều với một chút muối gia vị. Sắc đạm trúc diệp lấy nước bỏ bã, cho thịt lợn, gia bạch và vỏ dưa hấu vào nấu chín, tiếp đó đổ trứng gà vào quấy đều, đun sôi một lát là được, chế thêm gia vị làm canh ăn.

Bài 2: Rễ dâu tươi 30g rửa sạch sắc lấy nước uống thay trà hoặc đem luộc với gan lợn ăn và uống vào sáng sớm lúc bụng đói. Hoặc dùng ngọn dâu non lượng vừa đủ sắc lấy nước uống hoặc nấu canh ăn.

Bài 3. Bí đao 250g, kim ngân hoa 30g, đậu phụ 100g, trứng gà 1 quả, gia vị vừa đủ. Bí đao gọt vỏ bỏ hạt thái miếng, kim ngân hoa cho vào túi vải sắc lấy nước bỏ bã, đậu phụ nghiền nát, đập trứng gà vào đánh đều rồi đem hấp cách thủy cho chín, cắt thành từng miếng nhỏ. Nấu bí đao với nước sắc kim ngân cho chín rồi cho đậu phụ vào, đun sôi một lát, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Bài 4: Vỏ quyết tươi 30g, phật thủ tươi 20g, sắc lấy nước bỏ bã đem ninh với 20g gạo tẻ thành cháo loãng, chia ăn 2 lần trong ngày. Dùng cho những trường hợp đau mắt đỏ kèm theo tình trạng nhức mắt nhiều, tức ngực, hay cáu gắt, tâm tính bất an.

Bài 5: Rau cần tươi 500g, rửa sạch, chần nước sôi thái nhỏ làm nhân, bao vằn thắn, đồng thời nước cần làm canh ăn, ăn canh và vằn thắn. Dùng cho trường hợp đau đầu, miệng đắng, đại tiện bất thông.

Bài 6: Mã thầy tươi 250g nấu chín, uống canh ăn mã thầy, mỗi ngày 1 lần. Dùng cho trường hợp đau mắt đỏ có kèm theo ho, khạc đờm vàng, môi khô, họng khát, mắt sưng đau nhức.

Bài 7: Hợp hoan hoa 5g, gan gà hoặc gan dê 100g, hai thứ đem hấp chín ăn trong vài ngày.

 

 SKĐS