Hiện nay Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virut Corona (MERS-CoV) gây ra đã bùng phát mạnh thành dịch ở 9 nước tại vùng Trung Đông.
Ảnh minh họa |
Hiện nay Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virut Corona (MERS-CoV) gây ra đã bùng phát mạnh thành dịch ở 9 nước tại vùng Trung Đông và lây lan sang nước khác qua quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Một dịch bệnh khác cũng do virut Corona gây nên xuất hiện trước đây vào năm 2003 với tên gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) được phát hiện và khống chế tốt ở vùng Viễn Đông. Nhìn dịch bệnh MERS-CoV hiện nay, nhớ về bệnh SARS đã qua được phát hiện lần đầu tiên bởi bác sĩ Carlo Urbani, ông đã hy sinh do chính căn bệnh quái ác mà mình đã tìm ra.
Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS: Severe acute respiratory syndrome) cũng tương tự như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS: Middle East respiratory syndrome) đều do loại Coronavirus gây nên, được lây nhiễm qua đường hô hấp với tốc độ nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh SARS du nhập từ Hồng Kông đến Hà Nội và được phát hiện đầu tiên vào ngày 23/2/2003 qua một thương nhân người Mỹ gốc Trung Quốc tên là Jhonny Tran làm việc tại Hà Nội. Bệnh nhân này có các triệu chứng sốt cao, đau cơ, viêm đường hô hấp cấp tính phải vào điều trị tại Bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội ngày 26/2/2003. Bệnh cảnh lâm sàng tiến triển rất nhanh với những thương tổn lan tỏa nghiêm trọng ở phổi trên phim chụp Xquang. Hai ngày sau đó, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp nhanh và nặng, phải thở bằng máy hô hấp nhân tạo với khí ôxy. Đến ngày 5/3/2003, tình trạng bệnh tiến triển nặng thêm nên gia đình xin được chuyển về Hồng Kông và người bệnh đã tử vong tại đây ngày 14/3/2003.
Người đầu tiên xác định Hội chứng SARS tại Bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội là BS. Carlo Urbani sau khi trực tiếp khám bệnh và chăm sóc cho bệnh nhân Jhonny Tran. BS. Carlo Urbani sinh ngày 19/10/1956 tại Italia là một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Sau khi bị lây nhiễm SARS từ bệnh nhân Jhonny Tran trong quá trình khám bệnh, hội chẩn, chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội; ông đã qua đời ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 29/3/2003 cho chính bệnh SARS mà ông phát hiện, xác định đầu tiên tại Việt Nam. BS. Carlo Urbani mất đi để lại vợ là Guiliana cùng hai con trai Tomaso, Luca và con gái Maddalena khi sự nghiệp của ông đang còn dang dở. Ở vị trí là chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam từ năm 2000, BS. Carlo Urbani đã giúp xây dựng, thực hiện nhiều dự án và đề tài nghiên cứu khoa học về phòng chống bệnh sốt rét, phòng chống các bệnh giun sán ở Việt Nam. Đối với SARS, tên tuổi của ông được ghi nhận và gắn liền với hội chứng này vì ông là nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra bệnh lý, đồng thời cũng đã hy sinh từ căn bệnh chính mình phát hiện do lây nhiễm từ bệnh nhân. Tôi đã có đôi lần gặp gỡ, làm việc, trao đổi chuyên môn trong hội nghị khoa học chuyên ngành nên xem BS. Carlo Urbani là một người bạn đồng nghiệp quý mến.
...và MERS-CoV
Theo dõi MERS-CoV xuất hiện và gây nên dịch bệnh hiện nay, những người công tác trong ngành y tế bỗng nhớ đến một đồng nghiệp là BS. Carlo Urbani là người đầu tiên phát hiện, bị lây nhiễm bệnh và hy sinh vì SARS cách đây đã 12 năm. Cả hai hội chứng bệnh này đều do nhiễm loại virut Corona, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp và chiếm tỷ lệ tử vong cao. Hiện tại cả hai loại bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc phòng ngừa, kiểm soát các bệnh đường hô hấp cấp tính với xu hướng bùng phát thành dịch và đại dịch cần được thực hiện theo những biện pháp cơ bản của các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (ARD: Acute respiratory diseases) bao gồm: báo cáo ngay trường hợp mắc bệnh, cách ly ngay người bệnh; áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây truyền qua hơi thở và nước bọt, phòng ngừa lây nhiễm qua tiếp xúc; các biện pháp phòng ngừa qua đường không khí... Các biện pháp này cần được thực hiện một cách nghiêm túc từ bác sĩ điều trị, nhân viên y tế cho đến người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng như người thân quen đến thăm viếng, người có tiếp xúc xung quanh... nhằm mục đích giảm thiểu những nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh làm bùng phát thành dịch với nhiều người mắc và tử vong.
Nước ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống bệnh SARS trước đây nên sẽ có đủ khả năng giám sát, phát hiện, phòng ngừa, khống chế và xử trí bệnh MERS-CoV hiện nay một cách có hiệu quả nếu chúng xâm nhập vào nội địa.