Bệnh glôcôm (còn gọi là tăng nhãn áp, thiên đầu thống, cườm nước) là một bệnh của mắt, trong đó áp lực thủy dịch bên trong mắt tăng lên và nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị giảm thị lực, thậm chí bị mù. Bệnh thường xảy ra ở cả hai mắt, mặc dù một mắt có thể có các dấu hiệu và triệu chứng nặng hơn mắt bên kia.
Xem hình
Mắt bị glôcôm

Cấu trúc mắt có một khoang nhỏ ở bán phần trước được gọi là “tiền phòng”. Thủy dịch trong mắt lưu thông ra vào tiền phòng, để nuôi dưỡng mô quanh đó. Khi bị glôcôm, chất dịch lưu thông bị chậm lại, dẫn đến ứ đọng dịch và làm gia tăng áp lực bên trong mắt. Nếu không làm giảm bớt và kiểm soát được áp lực này thì dây thần kinh thị giác và các bộ phận khác của mắt có thể bị tổn thương, dẫn đến mất thị lực.

Các thể bệnh

Bệnh glôcôm có hai thể chính: glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng.

- Glôcôm góc đóng (glôcôm cấp tính) có thể xuất hiện đột ngột, bệnh nhân thường thấy đau và nhanh chóng mất thị lực. Tuy nhiên, triệu chứng đau và khó chịu khiến người bệnh đến cơ sở y tế ngay, được điều trị kịp thời nên có thể ngăn chặn được tổn thương vĩnh viễn.

-  Glôcôm góc mở nguyên phát (glôcôm mạn tính) tiến triển rất chậm. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì, thậm chí còn không chú ý đến giảm thị lực nhẹ. Ở thể bệnh này, nhiều người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời cho đến khi đã xảy ra tổn thương vĩnh viễn.

Ngoài ra, còn có một số thể khác như:

- Glôcôm nhãn áp bình thường là một thể bệnh khác mà các chuyên gia y tế còn chưa hiểu rõ. Mặc dù nhãn áp bình thường, song tổn thương thần kinh thị giác vẫn xảy ra. Có lẽ dây thần kinh thị giác dễ bị tổn thương hoặc mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác bị xơ mỡ động mạch.

- Glôcôm sắc tố là thể bệnh thường phát sinh ở tuổi trưởng thành. Các hạt sắc tố, phát sinh từ phía sau mống mắt, bị phân tán bên trong mắt. Nếu những hạt này tích lại ở mạng lưới bè củng mạc, chúng có thể làm chậm lưu thông thủy dịch trong mắt, dẫn đến tăng nhãn áp. Chạy bộ và một số môn thể thao khác có thể làm xáo trộn các hạt sắc tố này, khiến chúng đi vào mạng lưới bè củng mạc.

Người ta phân biệt glôcôm nguyên phát và thứ phát. Glôcôm nguyên phát dùng để chỉ bệnh glôcôm không rõ nguyên nhân. Glôcôm thứ phát là bệnh xảy ra do một số nguyên nhân như khối u, tiểu đường, đục thủy tinh thể nặng hoặc viêm nhiễm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh glôcôm

Các dấu hiệu và triệu chứng của glôcôm góc mở nguyên phát và glôcôm góc đóng khá khác nhau.

Trong glôcôm góc mở nguyên phát, tầm nhìn ngoại vi giảm dần dần, hầu như xảy ra ở cả 2 mắt. Trong giai đoạn nặng, bệnh nhân có thị trường hình ống (chỉ nhìn thấy hình ảnh sự vật ngay phía trước mặt và mất hoàn toàn tầm nhìn xung quanh).

Bệnh nhân bị glôcôm góc đóng thường thấy đau nhức mắt dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn, thậm chí là nôn; nhìn mọi vật có quầng sáng xung quanh; nhìn mờ, nhất là trong môi trường ánh sáng yếu; mắt đỏ.

Những yếu tố nguy cơ gây glôcôm

- Tuổi cao: người trên 60 tuổi có nguy cơ cao hơn bị glôcôm.

- Chủng tộc: người châu Á, do có cấu trúc tiền phòng nông hơn nên dễ bị glôcôm góc đóng hơn so với người châu Âu. Phụ nữ có nguy cơ bị glôcôm cao gấp 3 lần so với nam giới.

- Một số bệnh như tiểu đường và nhược giáp cũng làm tăng nguy cơ mắc glôcôm.

- Chấn thương hoặc bị bệnh mắt (bong võng mạc, viêm nhiễm hoặc có khối u ở mắt).

- Phẫu thuật nhãn khoa,

- Cận thị.

- Dùng corticosteroid, nhất là thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid.

Chẩn đoán glôcôm

Khi phát hiện có triệu chứng bất thường ở mắt, người bệnh nên đi khám ngay, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thông thường, các bác sỹ sẽ tiến hành khám mắt và làm một số thủ thuật như đo nhãn áp, đo độ dầy giác mạc, soi góc tiền phòng (để xác định góc giữa mống mắt và giác mạc đóng hay mở), đo thị trường, đánh giá tổn thương dây thần kinh thị giác...

Điều trị

Đa số người bệnh có thể được điều trị ban đầu bằng thuốc nhỏ mắt. Cần tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sỹ, để có thể có được hiệu quả điều trị tốt nhất. Trong trường hợp thuốc không có tác dụng hoặc người bệnh không dung nạp được thuốc, có thể tiến hành phẫu thuật cắt bè củng mạc, đặt dẫn lưu... để làm hạ nhãn áp.

Glôcôm góc đóng cần được điều trị khẩn cấp. Cần dùng ngay thuốc hạ nhãn áp. Có thể điều trị laser tạo một lỗ nhỏ trên mống mắt để giúp lưu thông thủy dịch đến mạng lưới bè củng mạc. Ngay cả khi chỉ 1 mắt bị bệnh, bác sỹ vẫn chỉ định điều trị cả 2 mắt vì thể bệnh này thường sẽ ảnh hưởng đến mắt còn lại.

Phòng bệnh

- Sau 40 tuổi, cần khám mắt định kỳ và đo nhãn áp ít nhất 5 năm một lần. Nếu chỉ số nhãn áp lực bắt đầu tăng, cần khám chuyên khoa mắt để được theo dõi và điều trị kịp thời.

- Có thể tránh tăng nhãn áp bằng cách giảm căng thẳng, tập thể dục thường xuyên, hạn chế uống cà phê, ăn nhiều rau quả tươi, đeo kính bảo vệ mắt trong khi làm việc hoặc chơi thể thao để ngăn ngừa chấn thương mắt.

- Kiểm soát bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol và bệnh tim.

Biến chứng thường gặp nhất của glôcôm là giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị càng sớm thì thị lực của người bệnh càng được bảo tồn.