Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 01/12 từ ngày 16/11 - 27/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát các hoạt động chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại 8 huyện/thành phố trong tỉnh.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát hỗ trợ kỹ thuật báo cáo, hồ sơ, sổ sách chương trình can thiệp giảm tác hại; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của chương trình, dự án trong quá trình triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV của nhân viên tiếp cận cộng đồng; hoạt động thực tế của nhân viên tiếp cận cộng đồng, các điểm trao đổi bơm kim tiêm và phân phát bao cao su; hỗ trợ kỹ thuật phần mềm HIV Info 4.0; báo cáo theo Thông tư 05/2023/TT-BYT.
Kết quả cho thấy, công tác triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV thực hiện theo đúng các quy định, hoạt động thực tế của nhân viên tiếp cận cộng đồng được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng gặp những khó khăn nhất định như việc khó tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao, nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, nhất là trong nhóm người có nguy cơ cao. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và các đối tượng có liên quan vẫn còn khá nặng nề.
Thông qua hoạt động giúp nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS, giới tính, sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma tuý, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ cần có sự góp sức của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Diệu Thúy