Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn Công (1959), địa chỉ xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn vào viện trong tình trạng sụp mí và liệt hoàn toàn nửa người bên trái.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn Công (1959), địa chỉ xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn vào viện trong tình trạng sụp mí và liệt hoàn toàn nửa người bên trái. Các bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Cấp cứu và Đột quỵ đã tiến hành hội chẩn và cho bệnh nhân đi chụp phim cộng hưởng từ. Kết quả xác định bệnh nhân bị tổn thương não do bị tắc động mạch thân nền trong não giờ thứ 3. Nhanh chóng bệnh nhân được thực hiện cấp cứu bằng việc sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch. Sau gần 40 phút can thiệp thủ thuật, động mạch thân nền đã được tái thông hoàn toàn.
Sau khi can thiệp lấy huyết khối, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực để kiểm soát dấu hiệu sinh tồn, đảm bảo hô hấp, kiểm soát ổn định huyết áp và các bệnh lý nền; qua đó tránh cho bệnh nhân bị tổn thương não nặng lên. Khi bệnh nhân ổn định, được chuyển về khoa Đột quỵ tiếp tục điều trị dùng thuốc và phục hồi chức năng để có thể phục hồi hoàn toàn cả chức năng vận động và chức năng thị giác. Đến nay, bệnh nhân đã ổn định, không yếu liệt tứ chi, khả năng nói phục hồi tốt.
Bệnh nhân Trần Văn Công là một trong số nhiều trường hợp được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bị đột quỵ não do tắc động mạch thân nền bằng phương pháp lấy huyết khối. Để thực hiện thành công kỹ thuật này, cần có đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, có thể xử lý can thiệp cấp cứu đột quỵ thì yếu tố quan trọng là thời gian vàng góp phần rất lớn. Đó là trước 4h từ khi vừa bị đột quỵ với chỉ định thuốc tan máu đông và trước 6h với chỉ định lấy cục máu đông thông lại mạch máu. Càng xa thời gian này cơ hội sống và phục hồi của bệnh nhân sẽ càng khó, dù người bệnh có được tái thông thành công lại mạch máu.
Việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị thành công cho các bệnh nhân bị đột quỵ não do tắc động mạch thân nền bằng phương pháp lấy huyết khối góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện, giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Theo các chuyên gia y tế: Đột quỵ do tắc động mạch thân nền là thể đột quỵ nặng nề nhất với nguy cơ tử vong và tàn phế cao nhất trong đột quỵ não. Tắc động mạch thân nền nếu để trễ can thiệp, cứ mỗi phút có đến 2 triệu tế bào thần kinh bị chết không thể phục hồi. Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời; người bệnh dễ dẫn tới hôn mê sâu, liệt nửa người, liệt tứ chi, ngưng tim và rất nhanh chóng dẫn tới tử vong lên đến trên 90%. Nhiều trường hợp dù sống nhưng phải thở máy lâu dài, sống thực vật, tạo gánh nặng tâm lý, kinh tế cho gia đình.
Kim Thoa