Cùng với toàn xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác chuyên môn và hỗ trợ tinh thần, đem lại sự hài lòng và yên tâm cho người có công.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn người có công (NCC) với cách mạng đang được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, các chế độ chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho NCC luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngành Y tế cũng luôn dành sự ưu tiên chăm sóc sức khỏe NCC bằng việc tổ chức các đợt khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho NCC, cựu quân nhân, nạn nhân chất độc da cam, thân nhân NCC trên địa bàn...
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa phối hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức khám bệnh tim mạch, tư vấn phương pháp phòng tránh, chữa trị các bệnh lý tim mạch và phát thuốc miễn phí, tặng quà cho gần 250 đối tượng, là những người bệnh mắc và có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công và người có hoàn cảnh khó khăn trên 70 tuổi trong tỉnh.
Ông Đỗ Xuân Hội, thương binh 61%, xã Xuân Chính (huyện Kim Sơn) rất phấn khởi khi được các bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tim mạch đến từ Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, Viện Tim mạch Quốc gia kiểm tra tình trạng sức khỏe, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe nâng cao thể trạng. Theo ông Hội, ông ít có cơ hội được lên tuyến trên khám bệnh, nên nay được các bác sĩ có chuyên môn cao khám bệnh và miễn phí thì rất vui và yên tâm chăm sóc sức khỏe theo sự hướng dẫn.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Giám đốc Quỹ vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam cho biết: Hiện nay, bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong cao gấp 2 lần so với bệnh ung thư. Ai cũng có thể bị bệnh lý tim mạch, đa số xuất hiện âm thầm không triệu chứng, đến lúc có triệu chứng thì đã quá muộn, có thể có biến chứng.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh lý tim mạch đều có thể ngăn ngừa, nếu mỗi người có lối sống lành mạnh, bỏ thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia, có chế độ ăn uống ít chất mỡ, ít tinh bột, hạn chế đồ ngọt, ăn nhiều rau củ quả, tránh thực phẩm chế biến sẵn. Trong đó, một việc rất quan trọng là cần khám sàng lọc để biết có nguy cơ bị mắc các bệnh tim mạch (huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tiền đái tháo đường…). Qua đó phát hiện sớm bệnh, có biện pháp phòng ngừa bệnh cũng như điều trị bệnh tim mạch hiệu quả hơn.
Tại chương trình, gần 250 đối tượng được khám bệnh tim mạch, tư vấn phương pháp phòng tránh, chữa trị các bệnh lý tim mạch và phát thuốc miễn phí, góp phần lan tỏa thông điệp: "Nâng cao nhận thức về bệnh lý tim mạch" để bảo vệ trái tim khỏe mạnh. Chương trình từ thiện nhằm hỗ trợ phát triển y tế trong việc khám và chữa bệnh tim mạch; qua đó sàng lọc loại bỏ những nguy cơ về bệnh tim mạch và có những phương pháp phòng ngừa sớm và chữa trị kịp thời.
Bà Trần Thị Ngọc, thôn 3, xã Phú Long (huyện Nho Quan), bị bệnh tim phải đặt sten, hiện được chẩn đoán hở van tim, nên khi được các bác sĩ chuyên gia về tim mạch Bệnh viện Trung ương phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, hướng dẫn phương pháp điều trị để đạt hiệu quả cao nhất, bà thấy rất ý nghĩa. Theo bà Ngọc, đây là sự quan tâm của những cán bộ y tế đối với bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, nên ai cũng rất cảm động và trân trọng.
BS.CKII. Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đối tượng NCC, gia đình chính sách có thẻ KCB BHYT chiếm tỷ lệ khá cao. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn quan tâm, thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh tình nguyện cho các gia đình chính sách, đối tượng NCC, người có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các đối tượng được chăm sóc sức khỏe ban đầu, qua đó biết cách tự chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Cũng như nhiều đơn vị y tế khác luôn dành sự ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho NCC, đối tượng chính sách khi đến khám, điều trị bệnh. Tại các khoa khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã tuyên truyền, giáo dục đến mỗi nhân viên y tế, người lao động về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đối với đối tượng chính sách, NCC; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân và tập thể khoa, phòng đối với đối tượng NCC, gia đình chính sách khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Từ đó đồng cảm, chia sẻ, hòa nhã, ân cần, chu đáo chăm sóc; lịch sự và kính trọng khi giao tiếp với người bệnh thuộc các đối tượng NCC và cao tuổi.
Bệnh viện cũng quan tâm bố trí ưu tiên ở các vị trí tiếp đón, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Với những người tuổi cao, sức yếu, nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng, việc đi lại khó khăn, luôn được nhân viên y tế hỗ trợ đi lại, làm thủ tục khám, chữa bệnh. Bố trí phòng điều trị cho NCC tại vị trí thuận lợi với việc khám chữa bệnh, cấp cứu, đi lại; đảm bảo vệ sinh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, sắp xếp giường bệnh phù hợp để tiếp nhận NCC nhập viện điều trị nội trú, tránh tình trạng phải nằm ghép...
Trong công tác chăm sóc, điều trị cho đối tượng NCC, thực hiện phác đồ phù hợp với thể trạng và tâm lý; tích cực thực hiện việc kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm giúp đối tượng phục hồi sức khỏe nhanh nhất. Vào các dịp lễ, Tết thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho NCC điều trị tại bệnh viện. Đồng thời vận động các cá nhân, cơ quan, tổ chức ủng hộ, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, người có công với cách mạng điều trị tại bệnh viện…
Theo //baoninhbinh.org.vn