Nếu tình huống dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống y tế cũng như hệ thống khác, có thể áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt cấp độ 3, cấp độ 4.
Dịch vượt quá tầm kiểm soát sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn
Trước tình hình dịch COVID - 19 đang gia tăng trở lại, trao đổi về các kịch bản chống dịch của Việt Nam trong tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Tình hình dịch COVID-19 hiện nay đã có nhiều thay đổi, chúng tôi đang xây dựng kịch bản ứng phó với dịch theo 2 tình huống:
Tình huống thứ nhất là Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát được dịch, không xuất hiện thêm các biến chủng mới hoặc các biến chủng mới không gây ra tác động nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sự phát triển kinh tế xã hội, chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp như hiện nay đang áp dụng.
Tình huống thứ 2 là khi dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống y tế cũng như hệ thống khác, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế xã hội; đặc biệt là có sự xuất hiện của các biến chủng mới gây dịch lây lan nhanh, mạnh, nghiêm trọng đến sức khỏe; sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn, có thể áp dụng như với cấp độ 3, cấp độ 4. Hiện chúng ta đã có hướng dẫn phân loại dịch theo cấp độ từ 1 đến 4 và sẽ căn cứ vào cấp độ dịch để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp".
Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 của Việt Nam vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Có nhiều ngày số ca mắc mới vọt lên trên 3.000 ca/ngày. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, hiện dịch bệnh trên thế giới vẫn được đánh giá là diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, do xuất hiện các biến chủng mới; vì vậy chúng ta không được chủ quan, lơ là mà vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cũng như của địa phương, các Ban, ngành liên quan.
Linh hoạt biện pháp
Để tiếp tục đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị).
Về quyết định chuyển từ biện pháp 5K sang 2K, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong thời gian qua, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, chúng ta chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, đã dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Từ tháng 4/2022, đã tạm dừng khai báo y tế với người nhập cảnh, khách nội địa; các hoạt động tập trung đông người đã được phép diễn ra trên phạm vi toàn quốc…
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch COVID-19 chưa kết thúc và vẫn đang xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, vì vậy vẫn phải tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Vì vậy, để đảm bảo phòng chống dịch, thích ứng an toàn linh hoạt, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế; Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã thống nhất và Bộ Y tế là cơ quan chủ trì thực hiện, xây dựng các thông điệp truyền thông cũng như các công thức phòng chống dịch; cụ thể hiện nay là 2K (Khẩu trang- Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác.
"Hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, chúng ta chuyển sang quản lý bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện mở cửa phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân; các yêu cầu về tập trung đông người đã có điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu trên. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang và khử khuẩn vẫn được giữ lại để đảm bảo công tác phòng chống dịch", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.
Mới đây, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành hướng dẫn quy định về đeo khẩu trang. Cụ thể, việc đeo khẩu trang được thực hiện ở những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, các khu vực công cộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ở các khu vực khác Bộ Y tế vẫn hướng dẫn người dân đeo khẩu trang theo yêu cầu của địa phương, cơ quan, đơn vị.
"Việc đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch như hiện nay là đã căn cứ vào thực tế, qua kinh nghiệm hơn 2 năm phòng chống dịch vừa qua, cũng như diễn biến tình hình dịch hiện nay; căn cứ vào yêu cầu vừa đảm bảo phòng chống dịch nhưng vừa đảm bảo mở cửa, phục hồi kinh tế. Bộ Y tế đã nghiên cứu các khuyến cáo từ các nước trên thế giới, đồng thời xin ý kiến của rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bộ ngành, địa phương để thống nhất công thức chống dịch hiện nay", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi người dân nâng cao ý thức thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe thông qua việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, nỗ hu COVID-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các Ban, ngành các cấp, đoàn thể và địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Diệu Thúy (Nguồn Báo Tin tức)