Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron. Chuyên gia nói rằng, nếu chủng này xâm nhập thì thực hiện tốt 5K có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19. Cùng với đó, yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những người có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện điều lệ y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Theo Bộ Y tế, ngày 25/11, WHO thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của SARS-CoV-2, gọi là Omicron, được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana... Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Thực hiện nghiêm quy định 5K
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, WHO đưa biến chủng Omicron vào biến thể đáng quan ngại cùng với những biến thể Alpha, Beta và Delta vì dự đoán nó nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta. Với những đặc điểm này, dự báo Omicron lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta. Nếu biến thể mới kháng lại các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay và đi cùng mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ kháng lại vắc xin còn tiếp tục nghiên cứu. “Cách phòng bệnh nhất là dừng các chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, cần lưu ý có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam nên phải để ý. Tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, đồng thời làm các xét nghiệm trong nước”, ông Phu nói. Theo ông, cần xét nghiệm bằng cách lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gien. Luôn phải nâng cao cảnh giác, không phải giãn cách, nhưng càng hạn chế tụ tập đông người, hoạt động đông người không cần thiết thì càng tốt. “Đặc biệt thực hiện tốt 5K, nếu chủng này xâm nhập thì thực hiện tốt 5K có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch”, ông Phu nói.
Ông Phu cho rằng, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người, nhưng nguy cơ lây lan nhanh mà kháng vắc xin thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc dù Omicron không gây bệnh cảnh nặng hơn biến chủng Delta nhưng khi lây lan nhanh sẽ dẫn tới quá tải bệnh nhân, nhiều trường hợp nặng lên do không được can thiệp y tế kịp thời, thậm chí sẽ tử vong.
“Giai đoạn đầu, rất nhiều người ở các nước châu Âu không đeo khẩu trang, nhưng bây giờ trong các cuộc họp, kể cả các nguyên thủ vẫn đeo khẩu trang. Nghiên cứu khoa học chỉ rõ, việc đeo khẩu trang có thể giúp giảm 53% nguy cơ lây lan COVID-19” - PGS.TS Trần Ðắc Phu, Cố vấn cao cấp - Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Diệu Thúy (Nguồn T5g)