Trong nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và để sớm kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 luôn cần có sự phối hợp của các nhân viên tiếp cận cộng đồng. Đây có thể là những người cùng cảnh ngộ, người thân, người sống cùng địa bàn với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV nên họ dễ cảm thông, chia sẻ, động viên, khuyến khích những người nguy cơ cao tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Hiện nay toàn tỉnh có 18 nhân viên tiếp cận cộng đồng, 4 nhóm tự lực và 5 câu lạc bộ, đây là những tổ chức, cá nhân đang hoạt động tích cực thực hiện nhiệm vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Họ là những người tình nguyện hoặc được trả lương trực tiếp tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV để tuyên truyền cho họ về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; cung cấp cho họ phương tiện thực hiện các hành vi an toàn. Đồng thời vận động họ đến tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Đến nay các cá nhân, các nhóm và câu lạc bộ đã nhận được lòng biết ơn của những người nhiễm HIV/AIDS, người có nguy cơ cao và sự ghi nhận của chính quyền địa phương, của các cơ quan y tế.
Ông Phan Khắc Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ðể thực hiện được mục tiêu và giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, ngoài đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm, như: Ðiều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, cung cấp bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su; chương trình điều trị HIV/AIDS và dự phòng từ mẹ sang con… thì công tác truyền thông và sự chung tay từ cộng đồng đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng là rất quan trọng.
Với sự nhạy cảm, tinh tế và những kinh nghiệm sáng tạo rút ra trong quá trình làm việc những nhân viên tiếp cận cộng đồng hoàn toàn có thể tự tin với công việc của mình. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ nhưng với mong muốn góp phần trong công tác phòng chống HIV/AIDS của toàn xã hội họ sẵn sàng là những nhịp cầu giúp cho nhiều người nhận biết, thay đổi và giảm bớt những hành vi nguy cơ cao để thực hiện các hành vi an toàn phòng tránh HIV/AIDS, rời bỏ dần ma túy, các tệ nạn, tiếp cận được với y tế, được chăm sóc và điều trị kịp thời. Chị Vũ Thị Xuân - Nhân viên tiếp cận cộng đồng huyện Kim Sơn chia sẻ “Tôi tình nguyện tham gia nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng đến nay đã hơn10 năm, công việc của tôi là phát tờ rơi tuyên truyền cho những đối tượng nghiện ma túy để họ hiểu rõ về tác hại của lây truyền HIV qua đường máu, đường tình dục, qua đường sữa mẹ. Qua đó mọi người sẽ biết cách sử dụng bao cao su đúng cách, tiêm chích an toàn, phòng tránh lây truyền HIV cho người khác. Công việc nhiều khi thuận lợi, đôi lúc cũng khó khăn, nhiều người họ né tránh nhưng vẫm kiên trì tiếp cận nên một thời gian sau khi tuyên truyền, những người nhiễm HIV và những người tiêm chích ma túy đã hiểu tác hại của lây nhiễm HIV/AIDS, từ đó có sự thay đổi hành vi an toàn cho chính họ và cho xã hội”.
Từ đầu năm đến nay chương trình trao đổi bơm kim tiêm đã phân phát hơn 362.218 bơm kim tiêm sạch, 889 hộp an toàn, thu gom và tiêu hủy 129.304 bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Phân phát 205.546 bao cao su, 69.955 gói chất bôi trơn cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới... những kết quả này có được là phần lớn dựa vào các nhóm tự lực và đội ngũ nhân viên tiếp cận động đồng. Ước tính đội ngũ này đã đóng góp từ 30-50% trong số các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Đến nay sau gần 17 năm, các nhóm cộng đồng đã chứng minh được vai trò không thể thiếu được trong các hoạt động không chỉ dừng lại ở phòng chống HIV/AIDS, là một phần không thể thiếu vào thành công của việc khống chế đại địch HIV, đóng góp vào việc nâng cao nhận thức, giảm tỷ lệ lây truyền HIV./.
Kim Thoa