Trong 9 tháng năm nay có 125,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. 2.572 người bị ngộ độc thực phẩm Chủ quan không xét nghiệm lại khi sốt xuất huyết, nguy kịch vì bất ngờ tiểu cầu hạ.
Nguồn Internet |
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2017, cả nước có gần 62,1 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 475 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 553 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (19 trường hợp tử vong); 27 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (3 trường hợp tử vong); 184 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản (6 trường hợp tử vong); 31 trường hợp nhiễm vi rút Zika; 530 trường hợp mắc bệnh ho gà (5 trường hợp tử vong) và 142 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người (12 trường hợp tử vong).
Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong 9 tháng năm nay có 125,2 nghìn trường hợp mắc bệnh (105,3 nghìn trường hợp phải nhập viện), trong đó 29 trường hợp tử vong. Tính từ 18/12/2016 đến 17/9/2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 2.572 người bị ngộ độc, trong đó 17 trường hợp tử vong.
Trong 9 tháng năm nay có 125,2 nghìn trường hợp mắc bệnh, trong đó 29 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết
Năm 2017, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước là do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn tại Hà Nội (địa phương đứng thứ 3 trong cả nước, sau TP.HCM và tỉnh Bình Dương về số ca mắc sốt xuất huyết), nguyên nhân khiến số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao thời gian qua là do sau nhiều năm không có dịch nên hệ thống miễn dịch trong cộng đồng bị suy giảm; do biến đổi khí hậu, mưa nhiều, nắng sớm. Vấn đề đô thị hóa và những thói quen của người dân trong sinh hoạt hàng ngày như không nằm màn, đặc biệt là các khu lán trại, công trường xây dựng… cũng khiến cho bệnh sốt xuất huyết tăng cao.
Tính đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết đã tạm thời được khống chế. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua theo dõi tình hình sốt xuất huyết tại một số tỉnh, thành phố cho thấy số ca mắc đã giảm và dịch đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, ngành y tế cũng như các bộ, ngành liên quan và người dân không chủ quan với dịch bệnh mà cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống bệnh.
Trước đó, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, đặc biệt ở Hà Nội. Khi dịch bắt đầu gia tăng tại Hà Nội, Bộ Y tế đã chỉ đạo các vụ, cục liên quan cùng với Thành ủy Hà Nội xây dựng chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết đúng hướng. Hà Nội cũng đã triển khai đồng bộ hoạt động tìm và diệt ổ bọ gậy toàn địa bàn, nhờ vậy, thời gian gần đây tình hình dịch sốt xuất huyết giảm nhiều.