Ngày 7/6/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2350/QĐ-BYT về việc phê duyệt Dự án “Thử nghiệm Mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường 2016 - 2020” với mục tiêu: huy động được nguồn vốn đầu tư, nhân lực, kinh nghiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh, đơn vị dịch vụ công, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân, người bán lẻ vào việc cung cấp, phân phối phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa sức khỏe sinh sản (SKSS) theo phân khúc thị trường nhằm bảo đảm đủ số lượng PTTT để duy trì mức sinh thay thế, đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại, hình thức và chất lượng ngày càng cao của PTTT, hàng hóa SKSS phù hợp với điều kiện, khả năng của các nhóm khách hàng, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

Theo Niên giám thống kê tóm tắt DS-KHHGĐ năm 2015 của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) đạt mức cao, tới 76,2% năm 2015, trong đó BPTT hiện đại chiếm 65,4% năm. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì liên tục mức sinh thay thế trong 10 năm qua. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu về số lượng, đa dạng về chủng loại PTTT, hàng hóa SKSS có chất lượng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: cơ hội tiếp cận PTTT còn nhiều hạn chế về số lượng, chủng loại và nơi cung cấp; nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng còn chiếm tỷ lệ khá cao: chiếm 11,2% trong nhóm phụ nữ có chồng, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa chồng và khoảng 35% trong nhóm thanh niên, vị thành niên; yêu cầu về số lượng PTTT sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2016-2020 bao gồm số để thay thế PTTT đã hết tác dụng tránh thai và số PTTT cho các nhóm khách hàng mới bước vào độ tuổi sinh đẻ có chiều hướng tăng lên (riêng số phụ nữ 15-49 tuổi tăng từ 25,1 triệu người năm 2015 tăng lên 25,4 triệu người năm 2020).

Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nhiều khả năng sẽ thiếu PTTT trong giai đoạn 2016-2020 do yêu cầu số lượng PTTT tiếp tục tăng nhưng khả năng cung cấp PTTT miễn phí, tiếp thị xã hội giảm nhanh, trong khi thị trường thương mại PTTT chưa phát triển và tâm lý được bao cấp PTTT của nhiều cộng đồng dân cư. Việc giảm số người sử dụng BPTT sẽ có thể làm cho tỷ suất sinh tăng; tăng tỷ lệ phá thai, gây bất lợi cho việc thực hiện chương trình DS-KHHGĐ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước năm 2010, bình quân hàng năm, cộng đồng các nhà tài trợ đã hỗ trợ khoảng 80% số PTTT, ngân sách nhà nước chi 20% trong tổng số kinh phí 310 tỷ đồng mua PTTT cấp miễn phí cho người dân. Trong giai đoạn 2011-2015, sử dụng số PTTT từ nguồn viện trợ còn lại và ngân sách nhà nước mua PTTT để cấp miễn phí, tiếp thị xã hội cho 50-55% số đối tượng; số PTTT do thị trường thương mại cung cấp cho 45-50% số đối tượng, nhưng chủ yếu là bao cao su khoảng 80%, viên uống tránh thai khoảng 27% và các PTTT khác khoảng 10%. Dự kiến giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước mua PTTT miễn phí, tiếp thị xã hội chỉ cấp cho khoảng 30% số đối tượng.