Luôn bảo đảm phẩm giá, sự an toàn và SKSS cho mọi phụ nữ và trẻ em gái. Cuộc sống của mọi người phụ nữ luôn quý giá trong bất kỳ tình huống nào.
. Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Khi thiên tai xảy ra, cần phải chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và các trẻ em gái sẽ trở nên an toàn và khỏe mạnh hơn.
Ưu tiên hỗ trợ người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai
Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay có chủ đề: "Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai". Hưởng ứng chủ đề đó, Bộ Y tế đã có những giải pháp nhằm chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ ở những vùng thiên tai, lũ lụt, những vùng bị ảnh hưởng khắc nghiệt bởi thời tiết.
VIỆT NAM là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu khi tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác. Theo tính toán, nếu biến đổi khí hậu không được giảm một cách hiệu quả thì đến cuối thế kỷ này, nước ta sẽ mất đi ít nhất 22% diện tích đất. Những trận bão lụt, siêu giông vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù đã có những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng các dự án, trong đó có chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhưng phần lớn các dự án này tập trung vào xóa đói, giảm nghèo và cung cấp lương thực chứ chưa tập trung vào chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân. Chính vì vậy, theo ông Béc-na Cô-cơ-lin -điều phối viên Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: Ngày Dân số thế giới năm nay, UNFPA đã đưa ra chủ đề này bởi ngày càng xảy ra nhiều thiên tai, lũ lụt, hạn hán trên thế giới. Và hơn hết, phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi hệ luỵ của thiên tai. Bằng việc làm cụ thể, Quỹ UNFPA đã thiết kế bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai. Bộ đồ này gồm: giấy vệ sinh (bằng chất liệu có thể tái sử dụng), quần áo, khăn tắm, xà-phòng, bàn chải... Các đồ dùng này đáp ứng cả nhu cầu vệ sinh cơ bản trước mắt của những người dân bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể duy trì cuộc sống trong một thời gian tối thiểu.
Theo Phó Tổng cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân, để hưởng ứng Ngày Dân số thế giới, Bộ Y tế đã triển khai những nội dung của Thông điệp Ngày Dân số gửi đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhất là những vùng có nguy cơ thiên tai, lũ lụt hay xảy ra. Triển khai xây dựng các lớp tập huấn để nâng cao năng lực ứng phó tình huống thiên tai, bảo đảm nguồn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Xây dựng những mô hình tương tự nhằm luyện tập, thích ứng với những mô hình như vậy trong tình huống có thể xảy ra, để nếu như thiên tai, lũ lụt xảy ra, bảo đảm các dịch vụ được triển khai đáp ứng đến những người dân ở nơi có lũ. Ngoài ra, ngành dân số cũng đã chuẩn bị những gói chăm sóc SKSS cơ bản cho phụ nữ, trẻ em gái, nhằm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thời gian một tháng. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường bảo đảm dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số để họ có kinh nghiệm chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; bảo đảm việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trước và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật cho người dân vùng thiên tai.
Mặc dù, chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là một chủ đề mới khác biệt hẳn so với mọi năm, tuy vậy ngành dân số cũng đã đưa ra năm nhóm giải pháp phù hợp, tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý đến công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ trung ương đến địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai. Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai. Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ ngành dân số.