Một trong những quan điểm chỉ đạo của công tác dân số trong thời gian tới được nêu trong Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới là phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Để đạt mục tiêu đó, các ngành, các cấp cần có những giải pháp cụ thể và khả thi. Hiện nay quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu, thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, hôn nhân, biến đổi cơ cấu nhân khẩu học, biến động lớn về di cư quốc tế và trong nước, thay đổi ý thức và khả năng sinh sản... Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Ngày nay các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Để thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết T.Ư 6 đề ra, các bộ, ngành liên quan cần sớm hoạch định các giải pháp, chính sách, chiến lược và chương trình, kế hoạch cụ thể. Khi tổ chức thực hiện cũng cần hoạch định chi tiết những vấn đề này theo thứ tự ưu tiên, tùy theo yêu cầu cấp bách trong thực tế và từng vùng, miền.

Về quy mô dân số: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030).

Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Giảm chênh lệch mức sinh giữa nông thôn - thành thị, miền núi - đồng bằng. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con. Ngoài ra, quy mô dân số ở nước ta rất khác biệt giữa các vùng miền, các đơn vị hành chính. Quy mô dân số ở các khu vực thành thị, đồng bằng, thành phố, quá đông đúc, phá vỡ quy hoạch, thiếu đất sản xuất, ùn tắc giao thông,... Trong khi đó, quy mô dân số ở các vùng, miền núi, hải đảo thưa thớt gây nên tình trạng thiếu lao động, mất cân bằng..., ảnh hưởng cả đến an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh. Bảo vệ và phát triển dân số các nhóm dân tộc có quy mô ít người, nhất là những dân tộc có rất ít người.

Về cơ cấu dân số: Có chiến lược khai thác tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số. Khuyến khích mạnh mẽ phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi. Phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế theo nguyên tắc gắn kết giữa dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Về chất lượng dân số: Hiện nay, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp (xếp hạng 116 trong số 188 nước); tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện (hơn 30 năm qua, chiều cao của nam chỉ tăng 4,4 cm và nữ tăng 3,4 cm, thuộc số các nước có chiều cao thấp nhất thế giới)… Vì thế, cần những giải pháp cụ thể đưa chỉ số HDI vào nhóm bốn nước hàng đầu Đông - Nam Á; phát triển chiều cao của nam nữ thanh niên Việt Nam. Người ít có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số; suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước (chênh lệch gần 10 năm). Cho nên cần tăng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh; tăng tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nhất là ở một số dân tộc thiểu số.

Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, đồng bào dân tộc ít người, người di cư… đều thật sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển.

Về phân bố dân số: Phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Cần rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ động chuẩn bị các điều kiện để dân cư được phân bổ tương ứng, phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của từng vùng và trong chiến lược tổng thể của đất nước.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh những giải pháp chung nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII. Đó là xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch hóa, phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực...

Nhandan