Nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả. Trong đó, chương trình “Tăng cường tuân thủ vệ sinh tay” được cho là biện pháp đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch “Vệ sinh tay toàn cầu” và yêu cầu các nước thành viên cam kết tham gia thực hiện. Tại Việt Nam, ngay năm đầu tiên chúng ta đã ký kết tham gia chiến dịch này và liên tục tổ chức Lễ phát động “Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay” vào ngày 5/5 hàng năm, nhằm phát động sâu rộng phong trào này tới tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc. Vệ sinh tay đã được quy định ngay tại Điều 1, Thông tư 18/2009/TT - BYT ngày 14/10/2009 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời, vệ sinh tay còn được đưa  vào nội dung đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tính đến tháng 4/2015, Việt Nam có 458 bệnh viện ký cam kết tham gia chiến dịch “Vệ sinh tay” do Bộ Y tế phát động. Trong đó, bệnh viện tuyến huyện chiếm số lượng nhiều nhất là 203 bệnh viện, bệnh viện tuyến tỉnh với 193 bệnh viện, bệnh viện tư nhân có 31 bệnh viện, bệnh viện tuyến trung ương có 25 bệnh viện tham gia và bệnh viện tuyến bộ, ngành có 6 bệnh viện. Thời gian này, trên website của  Tổ chức Y tế Thế giới, đã có 73 bệnh viện của Việt Nam đăng ký hưởng ứng chiến dịch. Việt Nam đứng hàng thứ 4 trong số 24 nước đăng ký hưởng ứng “Vệ sinh tay toàn cầu” thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng sau các nước Philippine (2.033 bệnh viện), Úc (483 bệnh viện), Trung Quốc (195 bệnh viện). Ngoài ra, đã có 382 bệnh viện trong cả nước tham gia khảo sát việc tổ chức thực hiện các hoạt động chính liên quan đến thực hiện công tác vệ sinh tay tại bệnh viện. Năm 2015, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác vệ sinh tay tại đơn vị, điều này giúp cho các bệnh viện chủ động trong việc triển khai các hoạt động về vệ sinh tay, đưa công tác vệ sinh tay đi vào hoạt động thường quy, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Để thực hiện tốt công tác vệ sinh tay, việc cung cấp đầy đủ và thuận tiện các phương tiện vệ sinh tay là rất quan trọng, trong đó, dung dịch sát khuẩn tay nhanh chứa cồn luôn có sẵn tại các vị trí chăm sóc là một trong năm cấu phần của chiến lược cải thiện vệ sinh tay đa phương thức của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại các bệnh viện, việc trang bị các bình xịt dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh, lavabo rửa tay trong thời gian qua đã tăng lên. Trong đó, ở tuyến trung ương trang bị cao nhất và thấp dần theo tuyến tỉnh, huyện. Với bình xịt dung dịch sát khuẩn, tại bệnh viện tuyến trung ương, ở bàn khám bệnh là 92,6% và giảm dần 89,2% ở tuyến tỉnh, 81,3% ở tuyến huyện. Tại xe tiêm, xe thủ thuật, việc trang bị bình xịt dung dịch sát khuẩn cũng được bệnh viện các tuyến thực hiện tương đối cao 94,0%. Tuy nhiên, tại buồng bệnh nội trú, 74,1% bệnh viện tuyến trung ương trang bị bình dung dịch sát khuẩn này nhưng chỉ đạt 48,6% ở bệnh viện tuyến tỉnh, 35,8% ở bệnh viện tuyến huyện. Còn ở khu vực bệnh viện tư nhân, việc trang bị các phương tiện rửa tay được thực hiện rất tốt, tương đương với bệnh viện tuyến trung ương.

Ngoài ra, việc huấn luyện, đào tạo tại chỗ và đào tạo liên tục về kiến thức, thực hành vệ sinh tay là rất quan trọng. Hiện nay tại Việt Nam, có 322 cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện đào tạo cho tất cả nhân viên y tế của bệnh viện về vệ sinh tay, tối thiểu 1 lần/năm, cao nhất là bệnh viện tuyến tỉnh và thấp nhất là bệnh viện tuyến trung ương. Ngoài ra, có 119 bệnh viện có đề tài nghiên cứu khoa học về vệ sinh tay, trong đó cao nhất là bệnh viện tuyến trung ương với 16 bệnh viện chiếm (59,3%) và thấp nhất là khối bệnh viện tư nhân (20%). Qua hoạt động này giúp nhân viên y tế hiểu được tầm quan trọng của vệ sinh tay trong việc giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, hiểu được kỹ thuật vệ sinh tay, cơ hội vệ sinh tay.

 Song song đó, việc giám sát, tuân thủ vệ sinh tay của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng tới từng nhân viên y tế được xem là hoạt động hiệu quả nhất nhằm tăng cường tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế. Kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế khá cao tăng dần qua các năm từ 67% (2010) tăng lên 81,3% (2014).

PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện Bạch Mai với vị trí là Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh của cả nước, hàng năm tiếp nhận 1,4 triệu bệnh nhân ngoại trú và trên 130 nghìn bệnh nhân nội trú. Do vậy, công tác vệ sinh tay luôn được Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai coi như nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện. Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay tại Bệnh viện Bạch Mai đã cải thiện đáng kể, từ 13,5% (2002) lên 75,0% (2015) qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tổ chức tập huấn, hội thảo, sinh hoạt mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn vệ sinh tay, trang bị phương tiện vệ sinh tay, tăng cường giám sát và đánh giá tuân thủ vệ sinh tay…

Sau 6 năm hưởng ứng phong trào do Tổ chức Y tế Thế giới phát động, các cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tăng cường nhận thức của nhân viên y tế, của người bệnh, người nhà người bệnh về tầm quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Vì vậy, đã có những bệnh viện trong ngành Y tế được vinh danh, ghi nhận giải thưởng cao quý của Tổ chức Y tế Thế giới, của Hiệp hội kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á - Thái Bình Dương về tổ chức thực hiện tốt chiến dịch vệ sinh tay và cải thiện tuân thủ thực hành vệ sinh tay như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Hùng Vương… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, nhất là việc đầu tư cho phương tiện vệ sinh tay chưa thỏa đáng, cùng với đó là tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay, sát khuẩn tay tại nhiều bệnh viện vẫn còn thấp. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi các đơn vị trong ngành Y tế nhận thức tốt hơn, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của vệ sinh tay đối với sự kiểm soát bệnh dịch; làm tốt hơn công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cộng đồng cùng thực hiện tốt vệ sinh tay.

T5G