Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn. Đối với bảy huyện có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, tỉnh chỉ đạo các xã phối hợp các đồn, trạm biên phòng thành lập ngay tổ chốt chặn tại đường mòn, lối mở, nghiêm cấm toàn bộ hành vi vận chuyển gia cầm vào địa bàn. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán sản phẩm gia cầm tại các chợ giáp biên.
Xem hình

Tại các cửa khẩu, lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm. Ngành y tế giám sát tại các khu vực cửa khẩu bằng thiết bị đo thân nhiệt, tổ chức phun hóa chất khử trùng đối với hàng hóa, phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam.

* Tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công điện gửi các ngành, địa phương về tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, thực hiện kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin đợt một năm 2017 và triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt một năm 2017 theo kế hoạch.

* Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trên đàn gia súc gia cầm, do các chủng vi-rút gây ra, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm A(H7N9) và các chủng vi-rút khác xâm nhiễm vào tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, hết sức lưu ý đối với gia cầm nhập từ các tỉnh có biên giới với Trung Quốc vào địa bàn tỉnh.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh và các huyện, thị thành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Ngành thú y các cấp đã tiêm phòng miễn phí vắc-xin cúm gia cầm cho 642.028 con, trong đó có 633.722 con vịt và 8.306 con gà; tổ chức tiêu độc sát trùng các xe vận chuyển, các khu vực chăn nuôi, quầy kệ bán thịt gia súc gia cầm, và ở khu vực giết mổ rộng hơn 416 nghìn m2 trong toàn tỉnh.

* Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi do thời tiết khắc nghiệt, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố, các ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh phát sinh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý. Chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất.

* Theo Cục Kiểm lâm, do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, các khu vực sau có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh. Đó là: khu vực Chư Prông, Chư Păh, Chư Sê, Mang Yang, Đức Cơ (Gia Lai); khu vực Ngọc Hồi, Sa Thầy, thị xã Kon Tum, Đác Hà, Đác Tô (Kon Tum). Các khu vực sau ở cấp IV, cấp nguy hiểm: Cao Bằng; Điện Biên (khu vực Điện Biên); Gia Lai (khu vực thị xã Ayun Pa, Krông Pa); Hòa Bình; Nghệ An (khu vực Kỳ Sơn, Tương Dương); Sơn La (khu vực Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu); Tuyên Quang.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện nay ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam, hôm nay (1-3), không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc. Do đó, Bắc Bộ có mưa rải rác. Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Gió đông bắc trong đất liền mạnh lên cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 3, cấp 4. Các tỉnh Bắc Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, rét hại.