Kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên năm 1990, đến nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, số người nhiễm mới, số người tử vong do AIDS đã giảm trong bảy năm gần đây; đại dịch HIV/AIDS được khống chế dưới 3% dân số...
Xem hình
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế , hiện nay số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227 nghìn 144 người, trong đó 71 nghìn 115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Đại dịch HIV đã xuất hiện ở 100% số tỉnh, thành phố, 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn trên cả nước. Theo ước tính của các chuyên gia, trên thực tế số người nhiễm HIV còn cao hơn, khoảng 260 nghìn người đang sống trong cộng đồng. Vào đầu những năm 2000, nếu như chỉ phát hiện được 10 nghìn người nhiễm HIV, thì đến giai đoạn 2006 – 2007, mỗi năm phát hiện thêm 30 nghìn người nhiễm HIV mới. Phần lớn số người nhiễm HIV ở trong độ tuổi lao động, trụ cột của gia đình. Đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS trong 10 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai những hoạt động trọng tâm như: tư vấn xét nghiệm, can thiệp giảm tác hại, điều trị can thiệp dự phòng, triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Nếu như năm 2004 chỉ có 500 người được điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút) thì đến tháng 6-2015 đã có 96 nghìn người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Hiện, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và hơn 500 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Có khoảng 70% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV. Việc xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em ngày càng được mở rộng; tránh được 96,8% số trẻ em không bị lây nhiễm. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 29% (năm 2001) xuống còn 10,5% (năm 2014); trong nhóm phụ nữ bán dâm từ 4,2% (năm 2006) còn 2,5% (năm 2015).

Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn là một cuộc chiến dài với nhiều khó khăn và thách thức khi mà nguồn tài trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm; dịch HIV/AIDS đã giảm nhưng chưa giảm sâu, chưa ổn định; số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện tiếp tục gia tăng và vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Tính trên tỷ lệ 100 nghìn dân, một số tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất cả nước như: Điện Biên (1029), TP Hồ Chí Minh (682), Thái Nguyên (632). So sánh tỷ lệ nhiễm HIV trên100 nghìn dân theo khu vực thì cao nhất là tại miền Đông Nam Bộ (408), tiếp đến là khu vực miền núi phía bắc (375). Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiện nay còn hạn chế, cho nên các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, các dịch vụ dự phòng can thiệp tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa được triển khai đầy đủ, sát sao...

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới đạt kết quả tốt, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông vận động thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các biện pháp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, ngành y tế nỗ lực hoàn thành mục tiêu về điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng methadone mà Chính phủ đã giao các tỉnh, thành phố. Tăng cường điều trị ARV để có thể hướng tới mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị sớm theo như phương pháp mới được công bố. Theo hướng mới, Bộ Y tế đã điều chỉnh tiêu chuẩn điều trị ARV lên ngưỡng CD4 (chỉ số tế bào máu ở người nhiễm HIV để xác định tiêu chuẩn điều trị ARV) dưới 500 tế bào/mm3 và điều trị ngay ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao và ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Như vậy, có đến 75% số người nhiễm HIV có thể được điều trị ngay sau khi có chẩn đoán nhiễm HIV. Kiện toàn các cơ sở điều trị ARV, lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh để có thể thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua thẻ bảo hiểm y tế. Tiếp tục tăng độ bao phủ xét nghiệm HIV để bảo đảm mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình. Để thực hiện được mục tiêu trên cần sớm triển khai các phương cách kỹ thuật xét nghiệm đơn giản để tuyến y tế cơ sở có thể chẩn đoán được HIV. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành, lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng, lồng ghép, đẩy mạnh các phong trào tại cơ sở như phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, chương trình nông thôn mới...