Sau 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), Việt Nam đã được nhiều thành tựu to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Việt Nam thanh toán được nhiều loại dịch bệnh

Nhờ sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế trong công tác tiêm chủng, nước ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa từ năm 1979, thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.

Để đạt được những thành quả trên, trong những năm gần đây, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Nhiều quy định về tiêm chủng đã được pháp lý hóa nhằm nâng cao trách nhiệm của người làm công tác tiêm chủng cũng như việc quản lý, triển khai được chặt chẽ, khoa học và khả thi hơn. Ngành y tế đã tổ chức nhiều hội thảo với các Bộ, ngành, các địa phương nhằm xoá thôn bản “trắng”, vùng “lõm” về tiêm chủng. Ngành Y tế đã thu hút viện trợ quốc tế đầu tư cho các địa phương vùng khó khăn tổ chức các điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tiêm chủng của phụ nữ và trẻ em. Các quy định về an toàn tiêm chủng, quy trình khám sàng lọc, tư vấn khi tiêm chủng được thực hiện tốt hơn tại các điểm tiêm chủng. Việc đánh giá phản ứng sau tiêm đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và minh bạch nhằm đánh giá một cách khoa học, khách quan nguyên nhân. Nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng tiêm chủng tại tất cả các tuyến. Công tác truyền thông đã được đẩy mạnh, việc phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí một cách chặt chẽ để thông tin đến tận người dân, người dân hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Bổ sung vắc-xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tổ chức thành công các chiến dịch nhằm khống chế các dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ quay trở lại và bùng phát thành dịch trong đó có các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều chiến dịch tiêm chủng như chiến dịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật bản B, uống vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt chiến dịch tiêm vắc-xin sởi và rubella cho gần 20 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi và gần đây là đối tượng 16-17 tuổi. Nhờ tổ chức tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng được duy trì ở mức cao, khống chế không để dịch bệnh bùng phát, xóa các vùng “lõm” về tiêm chủng.

Với mong muốn người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận với nhiều vắc-xin tiêm chủng vì chỉ có tiêm vắc xin mới đảm bảo phòng bệnh một cách bền vững và có thể loại trừ hoặc thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, một số vắc xin mới đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên miễn phí như vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật bản B, vắc-xin sởi - rubella, vắc-xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) từ tháng 6-2016, vắc-xin bại liệt tiêm  (IPV) từ năm 2018 và vắc-xin phòng chống tiêu chảy do vi-rút Rota sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2018. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để đưa vắc-xin mới vào sử dụng như vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc-xin phòng bệnh cúm A (H5N1) cùng với gần 30 loại vắc-xin đã được sử dụng tại Việt Nam dưới hình thức tiêm dịch vụ.

Ứng dụng nhiều công nghệ thông tin trong công tác tiêm chủng

Quản lý đối tượng và các hoạt động tiêm chủng bằng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu của thời điểm hiện nay và tương lai. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Thông qua ứng dụng phần mềm mỗi người khi tiêm chủng sẽ được theo dõi việc tiêm chủng suốt đời dù tiêm chủng loại vắc xin gì, tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ, tiêm bất kỳ ở đâu thông qua mã số ID. Nhờ phần mềm các thông tin về tiêm chủng của trẻ cũng được cung cấp và thông tin kịp thời tới bà mẹ, gia đình cũng như nhà trường khi các em đi học. Điều này không chỉ giúp cán bộ tiêm chủng nắm được tình hình tiêm chủng của người dân, mà còn giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của mình và người thân, từ đó, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đạt hiệu quả cao.

Với những đổi mới trong công tác tiêm chủng trên nhiều mặt như bổ sung vắc-xin mới an toàn, hiệu quả; triển khai nhiều giải pháp trong quản lý cũng như điều hành công tác tiêm chủng, Bộ Y tế mong muốn người dân Việt Nam ngày càng phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm hơn nữa thông qua tiêm chủng nhiều loại vắc-xin hiệu quả, an toàn; tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi, giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi dưới 1% và khống chế thành công các bệnh có vắc-xin phòng bệnh nhằm làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần chống quá tải bệnh viện, đảm bảo an sinh xã hội.