Trong khi chỉ số về sức khỏe và chiều cao của người dân Việt Nam luôn xếp top cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia trên Thế giới thì chỉ số về uống bia rượu, hút thuốc lá lại cao và xếp top đầu.
Mới đây, một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra con số thống kê về những chỉ số dành cho các quốc gia trên Thế giới, bao gồm chỉ số về hạnh phúc, mức độ thân thiện, thông minh, hay tỷ lệ hút thuốc lá, rượu bia, ung thư, tuổi thọ...
Trong các bảng xếp hạng được đưa ra, trong khi chỉ số về sức khỏe và chiều cao của người dân Việt Nam luôn xếp top cuối thì chỉ số về uống bia rượu, hút thuốc lá lại luôn luôn cao và được xếp vào top đầu.
Cụ thể, chiều cao của người Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 nước thấp nhất thế giới, người Việt Nam cũng thuộc top nhẹ cân nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá lại nằm trong top 15 những quốc gia hút thuốc nhiều nhất, cùng với đó là số nam giới sử dụng rượu bia cũng đứng thứ 1 trên thế giới.
Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Trung bình cứ 2 nam giới thì có một người hút thuốc.33 triệu người không hút thuốc sẽ phải thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.Mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này có thể tăng lên 70.000 người vào năm 2030.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra cực kỳ lớn. Năm 2012, người Việt Nam đã chi 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Năm 2013, chúng ta mất 23.000 tỷ đồng chi phí điều trị cho nhóm các bệnh không lây nhiễm và rất nhiều bệnh trực tiếp liên quan đến khói thuốc.
Việc sử dụng rượu bia cũng gây ra mối nguy hại lớn, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.
Đặc biệt về vấn đề sức khỏe, người Việt Nam thường có thói quen chỉ khi nào xuất hiện các vấn đề về răng miệng mới đi gặp bác sĩ để chữa bệnh, lúc đó thường là bệnh đã có diễn biến xấu và phải mất thời gian dài mới khắc phục được. Điều đó cho thấy ý thức chăm sóc răng miệng định kỳ ở người dân còn thấp.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của đa phần người dân chỉ khi nào có bệnh mới đi khám, người Việt đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn lại thờ ơ với việc khám sức khỏe định kỳ, vì thế khi phát hiện ra bệnh, hầu hết đã ở giai đoạn nặng, thậm chí là đã có biến chứng.
Theo thống kê cho thấy, khoảng ¾ số người đi khám ung thư được chẩn đoán là ung thư giai đoạn cuối. Lúc này bệnh đã di căn và khó có thể chữa khỏi. Nếu như các bệnh nhân thường xuyên đi khám bệnh định kỳ, có thể phát hiện ra sớm và có cơ hội sống thêm vài năm nữa.
Những con số trên phản ánh thái độ thiếu quan tâm của nhiều người Việt Nam đối với các vấn đề về thể chất, sức khỏe. Lượng tiêu thụ bia rượu, thuốc lá quá lớn cũng là điều đáng ngại khi gây ra nhiều hậu quả xấu đối với xã hội.