Ở Việt Nam, 1 bác sỹ mới có 1,9 điều dưỡng, hộ sinh trong khi đó, tỷ lệ tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là 1 bác sỹ cần tới 3,5 điều dưỡng, hộ sinh. Tỷ lệ này ở Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020, Việt Nam dự kiến cần khoảng 220.000 điều dưỡng viên. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành Y tế.
Xem hình

Việt Nam mở rộng các cơ sở đào tạo về điều dưỡng

Trong 10 năm trở lại đây, quy mô các cơ sở đào tạo về điều dưỡng ở nước ta cũng ngày được củng cố và mở rộng. Năm 2005, cả nước mới có 70 cơ sở đào tạo điều dưỡng hệ tại chức, cao đẳng, đại học, đến năm 2015, con số này tăng gấp đôi với 151 cơ sở. Cơ sở đào tạo điều dưỡng đại học giai đoạn 2010-2015 cũng bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2010 cả nước mới có 15 cơ sở, đến năm 2015 là 24 cơ sở. Đặc biệt hệ thống cơ sở công lập đào tạo điều dưỡng hệ đại học đã tăng hơn so với hệ ngoài công lập. Cùng với đó, quy mô đào tạo điều dưỡng hệ đại học, cao đẳng có xu hướng tăng dần qua các năm nhưng qui mô đào tạo trình độ trung cấp vẫn chiếm tỷ lệ cao khoảng 50%. Tại hệ thống trung ương, nguồn nhân lực điều dưỡng là nhân lực trẻ với 69,1% ở độ tuổi dưới 35 tuổi, 41% dưới 30 tuổi. Đây là nguồn nhân lực có ưu điểm khỏe, nhanh nhẹn, tiếp thu nhanh, ham học hỏi và đặc biệt là thành thạo ngoại ngữ, tin học.

Nhưng vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu

Tuy nhiên, theo GS.TS. Trần Quốc Kham, Phó Cục trưởng, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện nay tại các cơ sở y tế, lực lượng điều dưỡng thực hiện tới 70% công việc điều trị cho người bệnh. Họ là người đón tiếp, chăm sóc người bệnh từ lúc vào viện cho đến khi xuất viện. Thế nhưng, lực lượng này đang thiếu hụt trầm trọng. Hiện nay tổng số điều dưỡng của cả nước là 125.966 người, trong đó chủ yếu làm việc ở tuyến tỉnh/thành phố trở xuống chiếm tỷ lệ 90,6% và 8,3% điều dưỡng làm việc ở tuyến trung ương và có 1,1% điều dưỡng làm việc trong các trường đào tạo điều dưỡng. Ngoài ra, nhân lực điều dưỡng chủ yếu là nữ chiếm 86,8%; điều dưỡng là dân tộc kinh chiếm 93,8% điều dưỡng cả nước. Tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ trong cả nước mới đạt 1,9 điều dưỡng, hộ sinh/1 bác sỹ. Trong khi đó, tỷ lệ tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là 1 bác sỹ cần tới 3,5 điều dưỡng, hộ sinh.

Ngày nay, điều dưỡng là một ngành đa khoa với đầy đủ các chuyên ngành như bác sỹ và cũng có nhiều chuyên khoa sau đại học. Nhưng cả nước mới có hơn một trăm điều dưỡng viên trong lĩnh vực y tế có trình độ thạc sỹ, có cả tiến sĩ điều dưỡng. Bên cạnh việc số lượng chưa đủ thì chất lượng, trình độ của điều dưỡng chưa cao khi có tới 75% số cán bộ điều dưỡng là trình độ trung cấp; trong khi đó, tỷ lệ điều dưỡng đại học, cao đẳng là 10,3%; tỷ lệ điều dưỡng sơ học 3.8% và sau đại học rất thấp chưa đạt 1%. Bên cạnh đó, thực trạng đào tạo điều dưỡng ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều thông tư, quyết định đã được ban hành nhưng khi đưa vào triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Bên cạnh đó, khối các trường ngoài công lập tăng nhanh, đặc biệt là các trường trung cấp. Các trường này lại tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông hồng (Hà Nội), Đông Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh), miền Trung (Đà Nẵng) dẫn đến tình trạng phân bổ không đều nhân lực y tế.

Ngành Y tế cần tiếp tục nỗ lực để đào tạo đội ngũ điều dưỡng có trình độ cao

Kỳ vọng về nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam trong thời gian tới, GS.TS. Trần Quốc Kham cho rằng, người điều dưỡng cần độc lập, vừa làm việc, vừa nghiên cứu, vừa tham gia đào tạo lâm sàng và quản lý điều dưỡng tốt. Ngoài ra, người điều dưỡng cần hội tụ rất nhiều kỹ năng, quan trọng nhất là cấp cứu ban đầu; đồng thời có kiến thức về an toàn người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, kỹ năng giao tiếp, nghiên cứu khoa học và giỏi về tin học. Bên cạnh đó, người điều dưỡng cần phát huy được vai trò chủ động của nghề nghiệp để phát hiện những bất thường, chăm sóc và theo dõi bệnh nhân ân cần, chu đáo. Dự kiến trong một vài năm tới, khi số giường bệnh được nâng cao, nhiều bệnh viện được mở rộng, xây mới thì khi đó nhu cầu cần cán bộ điều dưỡng còn cần thiết hơn nữa.

Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 về việc “Ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y”. Từ ngày 01/01/2021, trình độ đào tạo tối thiểu cho các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y phải đạt từ cao đẳng trở lên vì chất lượng nguồn nhân lực thấp thì chất lượng chăm sóc người bệnh cũng sẽ không cao.

Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam trong thời gian tới, GS.TS. Trần Quốc Kham cho rằng, ngành Điều dưỡng cần tiếp tục xác định rõ lộ trình giảm dần quy mô đào tạo nhân lực điều dưỡng trình độ trung cấp, tiến tới dừng đào tạo trình độ trung cấp vào năm 2018; tiếp tục rà soát, nâng cấp các trường trung cấp chuyên ngành có điều kiện thành trường cao đẳng; xem xét thành lập một số trường đại học chuyên ngành điều dưỡng ở một số vùng kinh tế - xã hội; đồng thời có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ điều dưỡng trình độ trung cấp đang làm việc trong hệ thống y tế cả nước. Ngoài ra, ngành Điều dưỡng cần đảm bảo chất lượng đào tạo điều dưỡng và triển khai đào tạo điều dưỡng dựa trên năng lực, tích hợp chuẩn năng lực điều dưỡng đã được ban hành vào chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của nhân dân.

T5G