Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, duy trì nòi giống của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị T.Ư sáu, khóa XII đã chỉ ra nhiều giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII đã nêu bật những kết quả đạt được sau 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII với những kết quả nổi bật. Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn đời sống và xu thế của thời đại. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, đủ khả năng triển khai hiệu quả phòng nỗ hu , khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, tiếp nhận các dịch vụ y tế cũng như ứng phó kịp thời thiên tai, thảm họa. Các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô; y tế dự phòng được tăng cường, đã kiểm soát và phòng, chống tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được củng cố, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên… Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt hơn 73,1 tuổi, cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển; là điểm sáng trong việc đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ; Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật ghép tạng, ghép tế bào gốc, ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật…

Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, hướng tới BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính y tế hướng tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chuyển dần việc đầu tư ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách thông qua hệ thống BHYT, Nhà nước chỉ bao cấp cho người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi, người trong diện chính sách… và hỗ trợ một phần kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, do một số cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp xu thế thế giới và tình hình mới trong nước, nhất là nhu cầu cần được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng, cũng như trình độ dân trí được nâng lên, giao thông đi lại thuận tiện, trình độ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, do vậy người dân đã quan tâm đến sức khỏe của mình. Trong khi đó, mô hình bệnh tật có sự thay đổi cơ bản, từ các bệnh truyền nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích. Mặt khác, tốc độ già hóa dân số đòi hỏi phải đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe để đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật và thích ứng với già hóa dân số. Nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn; các hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, các tệ nạn ma túy, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh và sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, nước ta đang hội nhập với quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, giao thông thuận lợi đòi hỏi các cơ sở y tế phải được quy hoạch lại theo khu vực, cụm dân cư, đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động, phương thức quản trị của các đơn vị y tế công lập để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nghị quyết 20 đã nhấn mạnh, một trong những giải pháp rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để triển khai được các nội dung cụ thể của giải pháp này, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, các tổ chức đảng cần xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình; tổ chức lấy ý kiến, thảo luận dân chủ trong cán bộ, đảng viên, chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, Chính phủ, Quốc hội rà soát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Nghị quyết từ trung ương đến cơ sở. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng và đưa các chỉ tiêu về y tế được nêu tại Nghị quyết vào các kế hoạch, chương trình hành động, chiến lược, đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết. Các chi bộ cần đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thành một trong những nội dung sinh hoạt định kỳ. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương; gắn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp xã hội, đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình và người dân để họ tích cực, chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Các cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của các loại hình nhằm tuyên truyền và đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Thông tin báo chí cũng góp phần xây dựng và điều chỉnh nghị quyết phù hợp tình hình và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống từ thông tin báo chí, các cơ quan lãnh đạo, quản lý đã xây dựng chủ trương, chính sách mới để giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết.