Kiểm soát và phòng ngừa tác hại của thuốc lá không đơn thuần là xử phạt hành chính, mà cần phải nâng cao nhận thức chung về tác hại của sản phẩm độc hại này.

Theo PGS TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động do 5 bệnh ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Việc kiểm soát và phòng ngừa tác hại của thuốc lá là một quá trình và cần có sự đồng thuận xã hội trên cơ sở xây dựng những nhận thức chung về sản phẩm thuốc lá. Bỏ thuốc lá sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quy, giảm tỷ lệ suy giảm chức năng phổi và giảm ho đối với người bị bệnh viêm phế quản mãn tính…Theo các chuyên gia, trước hết, cần nhận thức rõ ràng rằng, thuốc lá là sản phẩm độc hại đối với sức khỏe và là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh tật. Mối nguy hại từ việc sử dụng thuốc lá được ghi trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá: “Thuốc lá và một số sản phẩm khác chứa thuốc lá được chế tạo một cách tinh xảo nhằm mục đích tạo ra và duy trì sự phụ thuộc vào thuốc lá, nhiều hợp chất chứa trong thuốc lá và khói do thuốc lá sinh ra có hoạt tính dược lý độc hại, gây biến đổi gen và gây ung thư, và chỉ riêng sự phụ thuộc vào thuốc lá đã được xếp loại là một tình trạng rối loạn trong các phân loại về bệnh tật của quốc tế”. Chính vì vậy, phải nâng cao nhận thức về ảnh hưởng xã hội của hành vi hút thuốc lá nếu không được kiểm soát. Việc sử dụng thuốc lá không đúng nơi qui định sẽ gây nên tình trạng hút thuốc thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe các cá nhân khác. Điều này vi phạm đến quyền bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc và cần có sự kiểm soát đối với người hút thuốc để bảo đảm sự bình đẳng, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nhận thức đúng về mức độ và phân loại của các trạng thái bị gây nghiện thuốc lá. Nghiện thuốc lá bao gồm ba cấp độ khác nhau, nghiện thực thể, nghiện tâm lý và nghiện về hành vi. Nghiện thực thể là nhu cầu cần duy trì nồng độ nicotin trong máu của người hút thuốc lá nếu không sẽ dẫn đến tình trạng triệu chứng bệnh lý rõ rệt. Nghiện tâm lý là việc giúp giải quyết, giải tỏa những biểu hiện căng thẳng về mặt tinh thần. Nghiện về hành vi là thói quen liên kết sự kiện hút thuốc với các sự kiện khác trong cuộc sống như một phản xạ có điều kiện. Đối với nghiện thực thể cần có thêm các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện cùng nhiều biện pháp hỗ trợ lẫn nhau như phòng tư vấn và cai nghiện thuốc lá, tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Đặc biệt, “thuộc tính xã hội” của sản phẩm thuốc lá rất mạnh, nên việc kiểm soát thuốc lá không đơn thuần chỉ là các biện pháp hành chính, xử phạt mà điểm cốt lõi của nó là việc làm sao tác động để thay đổi nhận thức và hành vi của cả người hút và không hút thuốc. Do vậy, vai trò của gia đình, cộng đồng, nhất là các tổ chức xã hội, đoàn thể có một ý nghĩa quan trọng trong việc làm giảm nhu cầu cũng như kiểm soát việc sử dụng thuốc lá.