Hiện nay, số lượng cặp đôi tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn rất ít nhưng đến năm 2030, Ban chấp hành Trung ương đã đề ra mục tiêu đạt 90% nam, nữ thanh niên được tiến hành nhằm bảo đảm hôn nhân bền vững và sinh con khỏe mạnh.

Ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Trước khi kết hôn, các cặp đôi khám sức khỏe có thể phát hiện và điều trị kịp thời nhiều căn bệnh nguy hiểm, giúp cuộc sống vợ chồng tránh được những hệ lụy không đáng có và giúp cho con cái khỏe mạnh hơn. Cụ thể, khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp vợ chồng đánh giá tình trạng sức khỏe một cách tổng quát, kịp thời phát hiện và điều trị những bất thường ở cơ quan sinh sản đồng thời dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, hiện nay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số địa phương còn cao thì việc được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân càng có ý nghĩa quan trọng giúp trẻ sinh ra được khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý di truyền hay dị tật, từ đó giảm gánh nặng cho xã hội.

Những việc nào sẽ được thực hiện khi khám sức khỏe tiền hôn nhân

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, cặp đôi sẽ được khám tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm gan b, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục... Theo đó, nam, nữ thanh niên sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm như công thức máu, kiểm tra đường huyết, điện tâm đồ, xét nghiệm viêm gan virus B, HIV, kiểm tra chức năng gan, thận, phân tích nước tiểu…

Đối với khám sức khỏe sinh sản, bác sĩ sẽ khám cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ. Chẳng hạn nam giới sẽ được khám tinh hoàn và những biểu hiện của sự phát triển tính dục như xuất tinh… Với nữ giới sẽ được khám bộ phận sinh dục nhằm phát hieenjvieem nhiễm hay bất thường để điều trị trước khi kết hôn. Ngoài ra, cặp đôi có thể thực hiện khám chuyên sâu như siêu âm tử cung, buồng trứng (với nữ giới), làm tinh dịch đồ (với nam giới). Do vậy, khám sức khỏe sinh sản không những giúp bạn phát hiện những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục, mà còn kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và các bệnh lây qua đường tình dục.

Đối với trường hợp đặc biệt như trong gia đình có người mắc bệnh liên quan đến dị tật, tâm thần, chậm phát triển thần kinh, bệnh di truyền… thì cần kiểm tra gen, nhiễm sắc thể.

Nếu sau khi kết hôn, cặp đôi có ý định sinh con ngay thì nên tiêm phòng một số loại vắc xin phòng bệnh cúm, quai bị, sởi, thủy đậu… vì những bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.

Thời gian nào tốt nhất để thực hiện

Trước khi kết hôn khoảng 6 tháng, cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân.  Nguyên do bởi nếu phát hiện bệnh, cả hai sẽ cùng có thời gian để điều trị dứt điểm. Bên cạnh đó, nếu có ý định sinh con ngay sau khi kết hôn thì người phụ nữ cũng phải tiêm ngừa một số bệnh trước 6 tháng để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi tương lai.

SKĐS