Theo hướng dẫn 3005/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây và Thông báo 718/BHXH của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 15-8, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Hà Tĩnh nếu khám, chữa bệnh (KCB) tại bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh Nghệ An sẽ phải làm thủ tục hưởng chế độ BHYT tại cơ quan BHXH. Việc thay đổi hình thức thanh toán chi phí KCB nhằm kiểm soát các chỉ định dịch vụ y tế nhưng cũng gây khó khăn cho người bệnh.
Xem hình
Phẫu thuật chấn thương cột sống cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Cửa Đông (TP Vinh, Nghệ An)

Thông báo số 718/BHXH ngày 24-7-2017 của BHXH tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, người dân đi KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh, thay vì được hưởng quyền lợi BHYT ngay tại bệnh viện như trước đây. Trong khi đó, theo Hướng dẫn số 943/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam, từ ngày 1-1-2016, BHXH các địa phương đã cho người bệnh hưởng chế độ BHYT ngay tại bệnh viện, không phải làm thủ tục thanh toán tại cơ quan BHXH.

          Giải thích lý do người bệnh phải thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, người bệnh có thẻ BHYT tự đi KCB tại các bệnh viện tuyến huyện không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu được coi là KCB không đúng thủ tục theo quy định của Ðiều 28 Luật BHYT. Các trường hợp KCB không đúng thủ tục phải làm thủ tục thanh toán chi phí KCB với cơ quan BHXH theo quy định tại 
          Ðiều 16 Quyết định số 1399/QÐ-BHXH của BHXH Việt Nam. Ðể thực hiện quy định mới, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, khi người bệnh đem hồ sơ về thanh toán, phải tổ chức triển khai giám định nhanh để thanh toán ngay cho người bệnh, bảo đảm thuận lợi, tránh tình trạng người bệnh phải đi lại nhiều lần. BHXH Việt Nam tạm thời áp dụng tại hai địa phương là Nghệ An và Hà Tĩnh, sau thời gian ba tháng, sẽ tổ chức đánh giá về quản lý chi phí, sự thuận lợi của người bệnh và nhu cầu thật sự cần thiết về KCB của người dân. Nếu thực hiện hiệu quả, sẽ áp dụng ở các địa phương khác.

          Một bác sĩ tại Nghệ An cho biết, với quy định mới, người bệnh sẽ phải ứng tiền trả trước cho bệnh viện, sau đó đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận lại tiền chế độ BHYT của mình. Nhưng quy định thời gian giải quyết thủ tục BHYT nhiều nhất 40 ngày là khá lâu. Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Hảo cũng có văn bản gửi BHXH Việt Nam đề nghị tạm dừng việc thực hiện quy định mới do người bệnh khó khăn khi phải chi trả các dịch vụ y tế có chi phí lớn. Bên cạnh đó, khó khăn cho cơ sở KCB trong việc giải thích cho người bệnh và tạo áp lực cho nhân viên y tế khi tiếp xúc với người có thẻ BHYT.

          Ðược biết, kết quả kiểm soát của BHXH Việt Nam về tình hình KCB trái tuyến cho thấy, chi phí bình quân điều trị nội trú, ngoại trú của một số bệnh viện tại TP Vinh (Nghệ An) cao hơn so với trung bình cả nước, gây lãng phí quỹ BHYT. Sáu tháng đầu năm 2017, tổng số lượt KCB ngoại trú của tỉnh Hà Tĩnh chuyển sang các cơ sở KCB tuyến huyện của Nghệ An là 66.972 lượt người bệnh, điều trị nội trú là 8.626 lượt người bệnh. Tổng chi phí cả nội, ngoại trú là khoảng 60 tỷ đồng. Chi phí trung bình điều trị nội trú hơn bốn triệu đồng/lượt, ngoại trú là 369 nghìn đồng/lượt, trong khi chi phí trung bình nội trú các bệnh viện tuyến huyện trên cả nước từ hai đến ba triệu đồng/lượt, ngoại trú khoảng từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/lượt. BHXH Việt Nam cho rằng, khi người dân ứng tiền ra chi trả trước thì họ sẽ quản lý tốt hơn chi phí KCB của mình, sẽ không chi trả cho các dịch vụ chưa cần thiết. Cơ quan BHXH cũng quản lý chặt chẽ hơn khi giám định trực tiếp từng hồ sơ, tránh được tình trạng kê khống, thống kê sai và từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

          Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lại cho rằng, việc kiểm soát các chi phí KCB để bảo đảm ổn định quỹ BHYT là cần thiết nhưng cần có giải pháp phù hợp, vì mục đích quản lý quỹ BHYT mà gây phiền hà cho người bệnh là không nên. Nếu cơ sở y tế nào lạm dụng quỹ BHYT thì cần xử lý cơ sở đó. Quy định mới có thể dẫn đến những hệ lụy là người có thẻ BHYT ở Hà Tĩnh có thể lựa chọn đi đến các tỉnh lân cận khác để KCB, do đó, cần có giải pháp quản lý tổng thể. Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, ông không đồng tình việc BHXH Việt Nam hướng dẫn như nêu trên vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT. Quy định thông tuyến huyện cho phép người bệnh đi KCB không cần đúng nơi đăng ký ban đầu, được cơ sở KCB chăm sóc sức khỏe và không phải trả tiền, lấy hóa đơn về BHXH thanh toán. Ðó là ý nghĩa của thông tuyến huyện. Do đó, người bệnh từ địa phương này sang địa phương khác KCB tại bệnh viện tuyến huyện là đúng luật. Nếu BHXH Việt Nam thí điểm tại Nghệ An, Hà Tĩnh thì cần xây dựng đề án cụ thể báo cáo Bộ Y tế, có sự tham gia của ngành y tế và các địa phương trong quá trình thí điểm. Bộ Y tế sẽ trao đổi với BHXH Việt Nam để thống nhất cách quản lý, bảo đảm sự thuận tiện của người bệnh.

          Thời gian qua, việc cải cách các thủ tục hành chính trong tham gia BHYT, thanh toán chi phí KCB BHYT đã tạo thuận lợi và góp phần khuyến khích người dân chủ động tham gia BHYT. Với thực tế về khó khăn cho người bệnh khi thực hiện quy định mới nêu trên, BHXH Việt Nam cần xem xét, có giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi trong KCB cho người tham gia BHYT.