Gần 21 triệu người sống với HIV đang được điều trị kháng vi-rút, số ca nhiễm HIV mới và số người tử vong do AIDS đã giảm xuống ở nhiều khu vực.

Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS 01/12 lần thứ 30 năm nay, chúng ta cùng nhau nêu bật tầm quan trọng của quyền về sức khỏe và những thách thức mà những người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn đang phải đối mặt trong việc thực hiện quyền về sức khỏe.

Quyền về sức khỏe là một quyền cơ bản của mọi người dân, mang hàm ý rộng, và có thể được hiểu là mọi người dân đều có quyền như nhau về chăm sóc sức khỏe; là có đủ hạ tầng cơ sở y tế bảo đảm chất lượng; là việc cung cấp các dịch vụ y tế không phân biệt đối xử và tôn trọng phẩm giá của con người; là dịch vụ y tế phù hợp với người bệnh và bảo đảm chất lượng.

Trong năm 2017 vừa qua, chúng ta đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virut kiểm soát được số lượng virut ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Gần 21 triệu người sống với HIV đang được điều trị kháng vi-rút, số ca nhiễm HIV mới và số người tử vong do AIDS đã giảm xuống ở nhiều khu vực.

Nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là. Ở khu vực Đông Âu và Trung Á, số nhiễm HIV mới đã tăng 60% kể từ năm 2010 và số người tử vong do AIDS đã tăng 27%. Khu vực Trung và Tây Phi còn đang bị tụt lại phía sau trong đáp ứng với HIV. Ở đó, cứ 3 người dân thì mới có 2 người tiếp cận được điều trị kháng vi-rút. Chúng ta không thể để tình trạng đáp ứng không đồng đều với HIV tiếp diễn nếu muốn kết thúc được dịch AIDS.

Dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng dịch AIDS vẫn chưa kết thúc. Nếu chúng ta bảo đảm được rằng mọi người dân ở mọi nơi đều thực hiện được quyền về sức khỏe của bản thân, thì chúng ta sẽ có thể kết thúc được dịch AIDS.

HIV/AIDS qua những con số:

17 giây: Cứ mỗi 17 giây trôi qua là có một người nhiễm HIV mới, tương đương 5.000 người mỗi ngày.

2/3: Châu Phi chiếm 2/3 số ca nhiễm HIV mới.

50%: số ca nhiễm HIV ở trẻ em đã giảm gần 50% trong giai đoạn 2010 - 2016.

36,7 triệu: Là số người nhiễm HIV trên toàn thế giới.

50%: Số ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm gần 50%, từ đỉnh điểm 1,9 triệu người hồi năm 2005 xuống còn 1 triệu năm 2016.