Sử dụng thuốc lá là nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, bệnh phổi mãn tính …
Xem hình

Hút thuốc lá không chỉ gây hại tới người sử dụng mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống của những người thân do khói thuốc gây ra. Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, trung bình 2 nam giới 15 tuổi trở lên có một người hút thuốc. Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người.

Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, hàng năm người Việt Nam phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua thuốc hút và đồng thời cũng phải bỏ ra hàng ngàn chục tỷ đồng để điều trị các bệnh các  do sử dụng thuốc lá gây ra. Việc tham gia và phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, bền vững. Đây là Công ước quốc tế mang tính toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số 180 thành viên tham gia công ước trong tổng số 192 quốc gia của Tổ chức Y tế thế giới, chiếm 89% dân số toàn thế giới.

Sau 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến to lớn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Hàng loạt các giải pháp đã được triển khai từ việc ban hành Luật phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, nhiều văn bản hướng dẫn, cam kết thực hiện… đến việc triển khai các chương trình can thiệp như: Xây dựng và củng cố các mô hình không khói thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện, tăng thuế thuốc lá, Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm thuốc lá, in cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá, chiếm 50% cả mặt trước và mặt sau của vỏ… việc in cảnh báo sức khỏe trên các bao thuốc  đến nay đã được tuân thủ 100%, những hình ảnh cảnh báo này có tác động rất lớn đến người hút thuốc lá cũng như người dân nói chung.

Việc ra đời và thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá là một bước tiến quan trọng nhằm xác lập hành lang pháp lí cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Mặc dù vậy, nhưng việc thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như: Ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống tác hại  thuốc lá của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, người dân còn hạn chế nhiều lãnh đạo còn hút thuốc nên chưa cương quyết thực hiện các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá một cách nghiêm túc;  Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới của Việt Nam còn rất cao 47,4% bên cạnh đó thuốc lá lại là sản phẩm gây nghiện nên rất nhiều người gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc…

Bộ Y tế đã khuyến khích các địa phương đưa quy định cấm hút thuốc ở những nơi mà trong luật chưa có quy định cấm hút thuốc lá vào hương ước, nội quy của cộng đồng giúp người dân dần thay đổi thói quen sử dụng thuốc lá. Các quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi làm việc còn có tác dụng khuyến khích các gia đình tạo môi trường gia đình không khói thuốc, điều này giúp bảo vệ trẻ em và các thành viên khác trong gia đình khỏi những nguy cơ của hút thuốc thụ động.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng  các sản phẩm thuốc lá, về lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và lối sống không thuốc lá, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình giáo dục và ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá; đa dạng hóa các hình thức tư vấn cai nghiện thuốc lá, tạo nguồn kinh phí để phát triển các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá từ ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ quốc tế và đóng góp của người dân dưới hình thức viện phí và bảo hiểm y tế.

Trong năm 2015 Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế sẽ tập trung hỗ trợ các hoạt động để tăng cường thực thi nghiêm luật phòng chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đa dạng về phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ và sâu rộng ở cả Trung ương và địa phương, các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc ít người với nhiều hình thức và nội dung phong phú giúp người dân hiểu về các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng như các tổn thất về sức khỏe và gánh nặng về kinh tế của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, truyền thông về ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ. Quỹ sẽ hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh, thành phố, tăng cường công tác phối hợp liên ngành tại địa phương và các tổ chức xã hội để thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra việc thực hiện luật Phòng chống tác hại thuốc lá; triển khai thí điểm hình thức tư vấn bỏ thuốc lá qua điện thoại và tổ chức tư vấn cai nghiện thí điểm tại 5 bệnh viện Trung ương và thành phố trước khi mở rộng trên toàn quốc.

Tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá, ông Jeffery Joseph Kobza quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã trao giải thưởng danh dự cho PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống thuốc lá Quốc gia vì những đóng góp to lớn trong công tác Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là một trong hai cá nhân của 27 nước trong khu vực Tây thái Bình Dương được nhận giải thưởng này.

 

 

T5G