Trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, trong đó có vấn đề xử phạt hành vi vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Cụ thể: Có ý kiến cho rằng, tội vi phạm quy định về ATTP (Ðiều 317 BLHS 2015) cần bổ sung định lượng để tránh việc xử lý hình sự quá rộng, ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xem hình
Ðoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất lượng sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại thị xã Từ Sơn (

Theo Ủy ban Tư pháp, điểm a, b và c khoản 1 Ðiều 317 quy định "chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả đã xử lý hình sự" là quá nặng. Tuy hành vi vi phạm ATTP khiến xã hội rất bức xúc, nhưng để xảy ra thực trạng này, có nguyên nhân không nhỏ từ khâu quản lý Nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm. Nếu làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm. Không đồng tình với Ủy ban Tư pháp, có ý kiến cho rằng, vệ sinh ATTP đang là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ðơn cử, có hai vụ ngộ độc lớn trong thời gian gần đây, xảy ra ở tỉnh Lai Châu và Hà Giang đã gây thiệt hại về người. Trong đó, vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu có tám người chết, nhiều người phải nhập viện; vụ ngộ độc ở Hà Giang có hơn 60 người ngộ độc phải cấp cứu.

          Dự thảo sửa đổi Ðiều 317 về tội danh vi phạm ATTP đưa ra phương án: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến năm năm đối với những người thực hiện hành vi vi phạm về ATTP mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 120%; hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

          Dù mới chỉ dừng ở Dự thảo, chưa được Quốc hội thông qua, nhưng vấn đề xử phạt đối với vi phạm ATTP là rất quan trọng. ATTP là vấn đề của toàn xã hội, bởi tiêu thụ thực phẩm là một trong những nhu cầu tất yếu để tồn tại. Do đó, hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong việc sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm để cung cấp đến người tiêu thụ, là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của toàn xã hội. Dù sử dụng với định lượng nhỏ, không thể gây chết người ngay, nhưng việc sử dụng các chất cấm, hóa chất độc hại này sẽ khiến cho người tiêu thụ thực phẩm bị hủy hoại sức khỏe từ từ, nếu cứ tiếp tục tích trữ từng ngày chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng. Bởi vậy, bản thân hành vi này đã gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội.

          Tuy nhiên, theo ý kiến của các luật sư để chứng minh hậu quả xảy ra trong trường hợp này không đơn giản, bởi ngoài các chất cấm gây hậu quả ngay lập tức thì phải tích trữ một lượng nhất định hoặc phải một thời gian sau mới ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nếu để đến khi xảy ra hậu quả rồi mới điều tra, xác minh mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả để xử lý trách nhiệm hình sự sẽ dẫn đến việc hành vi phạm tội không được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo nguyên tắc của BLHS.

          Bởi vậy, việc quy định chỉ cần hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP tại điểm a, b, c khoản 1 Ðiều 317 Dự thảo BLHS mà chưa cần xảy ra hậu quả, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đã suy xét đến mức độ nguy hiểm của hành vi cho xã hội, nguyên tắc xử lý của BLHS. Do đó, quy định này cần được ủng hộ và áp dụng.